Theo đó, mức thuế cuối cùng áp dụng cho một số doanh nghiệp đã tham gia trả lời bản câu hỏi và hợp tác với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) là 0,15 USD/kg (tương ứng khoảng 3,8% giá xuất khẩu). Các doanh nghiệp không hợp tác sẽ nhận mức thuế 2,39 USD/kg. Như vậy, mặc dù thuế cho các doanh nghiệp không hợp tác giữ nguyên so với POR14 nhưng mức thuế dành cho các doanh nghiệp hợp tác đã giảm đi đáng kể, lần này (POR15) là 0,15 USD/kg, so với đợt trước (POR14) là 1,37 USD/kg. Đây là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ tác động đến ngành nuôi cá trong nước. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam (như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông...) vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%.
Mặc dù trong thời gian qua xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam liên tục gặp phải các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ nhiều nước nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn nỗ lực để vượt qua khó khăn và duy trì kim ngạch xuất khẩu trong hai năm 2018 và 2019 đều ở mức trên 2 tỷ USD.
Sản phẩm cá tra của Việt Nam đã bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2003 và các năm đều tiến hành rà soát mức thuế áp dụng. Hiện nay, DOC đang tiến hành rà soát POR16, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam cần xem xét tham gia hợp tác, cung cấp thông tin, dữ liệu chính xác, đầy đủ để DOC có căn cứ đánh giá, phân tích tránh nguy cơ bị sử dụng thông sẵn có do kê khai thiếu thông tin trong bản trả lời câu hỏi. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan có các hành động cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngành cá tra của Việt Nam.