Vào lúc 6 giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), bão Sandy còn cách thành phố New York khoảng 250 km và tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc-Tây Bắc với vận tốc trên 40 km/h. Tại khu vực ven biển, Sandy đang kết hợp với triều cường ngày trăng tròn tạo nên những cột sóng khổng lồ cao gần 4 mét, đe dọa gây ra thiệt hại chưa từng có từ trước tới nay.
Khoảng hơn 300.000 cư dân tại 7 bang đang phải chịu cảnh mất điện kéo dài, hàng trăm nghìn người khác phải sơ tán trong khi hàng nghìn chuyến bay bị hủy bỏ. Toàn bộ dịch vụ giao thông công cộng gồm xe buýt, tàu hỏa và tàu điện ngầm tại 3 thành phố lớn là New York, Washington DC và Philadelphia đã bị tê liệt hoàn toàn, trong khi thị trường chứng khoán New York cũng sẽ đóng cửa cho đến hết ngày mai. Đây là lần đầu tiên sàn giao dịch với giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới này tạm ngừng hoạt động do thiên tai kể từ năm 1985.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn cho biết, bão Sandy nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh lên khi kết hợp với một đợt không khí lạnh đang tràn xuống, gây ra lũ quét, bão tuyết và mất điện trên một khu vực trải dài gần 1500 km, từ Bắc Carolina đến Main, ảnh hưởng tới khoảng 60 triệu người. Khu vực miền núi phía Tây bang Virginia và khu vực tiếp giáp giữa Bắc Carolina và Tennessee được dự báo sẽ hứng chịu một đợt tuyết rơi với độ dày từ 30 cm đến 90 cm.
Theo ước tính, thiệt hại kinh tế do bão Sandy gây ra sẽ lên tới 20 tỷ USD, trong đó chỉ riêng thiệt hại do gió lốc đã vào khoảng 7 tỷ USD. Trên đường quét qua vùng Caribbea, Sandy đã cướp đi mạng sống của 67 người.
Không chỉ gây thiệt hại về vật chất và sinh mạng, bão Sandy đang làm gia tăng lo ngại rằng nó có thể đẩy chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ theo những hướng ngoài ý muốn. Cả hai ứng cử viên Mitt Romney và Barack Obama cùng đội ngũ cố vấn đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, cố gắng xác định mức độ tác động của bão Sandy đối với cuộc bầu cử sắp tới.
Nếu những dự báo tồi tệ nhất về cơn bão này trở thành hiện thực, đây sẽ là một phép thử lớn đối với đương kim Tổng thống Obama trong những ngày tới. Những cử tri, nhất là những người còn do dự, sẽ thận trọng cân nhắc ửng cử viên nào họ nên ủng hộ qua phản ứng của ông Obama trong việc đối phó với bão Sandy và chiến dịch dọn dẹp sau bão. Cuộc khủng hoảng thời tiết này đang tạo ra cơ hội để ông Obama thể hiện rõ vai trò tổng thống mà một số cử tri đang mong muốn chứng kiến, cũng như chứng tỏ vai trò một \\\\\\\\\\\\\\\"tổng tư lệnh\\\\\\\\\\\\\\\" đích thực. Chắc chắn ông Obama không muốn theo gót cựu Tổng thống George W. Bush, người bị coi là điển hình về sự kém cỏi trong ứng phó với thiên tai qua cơn bão Katrina năm 2005.
Về phần mình, ứng cử viên Romney hầu như không thể làm gì ngoài việc theo dõi phản ứng của người dân về cách ứng phó của đối thủ Obama với trận siêu bão này. Bất cứ một tuyên bố nào của ông Romney cũng có thể dễ dàng bị nhìn nhận mang động cơ chính trị.
Bão Sandy đã buộc ban vận động tranh cử của hai đảng phải thay đổi các chiến dịch trong ngắn hạn. Cả hai ứng cử viên đã phải hủy các buổi vận động tranh cử tại một số bang chủ chốt như Virginia, hiện nằm trong vùng tâm bão.
Vấn đề cuối cùng là kiểu thời tiết khắc nghiệt như thế này sẽ ảnh hưởng như thế nào để thái độ của cử tri tại các bang \\\\\\\\\\\\\\\"chiến trường\\\\\\\\\\\\\\\" như Virginia. Nhiều nhà quan sát cho rằng bão Sandy có thể làm giảm tỷ lệ cử tri đi bầu tại các khu vực có mức thu nhập thấp, vốn bị ảnh hưởng nặng nề và có ít các nguồn lực để khôi phục sau thảm họa thiên tai và đây sẽ là điểm bất lợi đối với phe Dân chủ. Mưa bão cũng đã dẫn đến việc hủy bỏ phiếu sớm tại một địa phương, hiện đã mang lại lợi thế cho ứng cử viên Obama trong việc giành được tổng số phiếu phố thông cao hơn đối thủ Romney.
Hiện dư luận Mỹ hy vọng phần lớn những dự báo tồi tệ về cơn bão Sandy này sẽ sai. Nhưng nếu điều đó là đúng, các ứng cử viên tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn/.