Mục tiêu nêu trên được thể hiện trong quyết định số 1434/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt hôm 22-9-2017.
Trao đổi với TBKTSG Online về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu như nêu trên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tỏ ra khá ngạc nhiên với con số kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8-9 tỉ đô la Mỹ đến năm 2020.
Theo ông Hòe, trong năm 2017, khả năng đạt 8 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam là rất cao, thậm chí có thể vượt chút đỉnh.
Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) cũng dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2017 sẽ đạt 8 tỉ đô la Mỹ. “Nếu năm 2017 đã đạt được rồi, thì đâu còn gì mà phấn đấu”, ông nói và đặt câu hỏi: “Ai đưa ra chỉ tiêu 8-9 tỉ đô la Mỹ không biết có bị nhầm hay không?”.
Theo ông Phẩm, trong trường hợp đến năm 2020 đạt 9 tỉ đô la Mỹ như mục tiêu của quyết định có nhắc đến, tức trong 3 năm tới, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam mỗi năm tăng hơn 300 triệu đô la Mỹ, thì điều này cũng khá dễ dàng.
Ông Phẩm nói rằng, nếu Việt Nam có chính sách nhập nguyên liệu tốt cũng như có chính sách nuôi trồng tổng thể đối với con tôm và cá tra, thì chỉ tiêu trên không có vấn đề gì khó khăn.
Thậm chí, theo ông Phẩm, nếu có các giải pháp phát triển bền vững và các chính sách liên quan hữu hiệu, nhiều khả năng đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 15 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, theo ông Hòe, vấn đề lớn nhất, căn bản nhất cần quan tâm trong thời gian tới, đó là liên kết chuỗi để bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Hòe, nói đến an toàn vệ sinh thực phẩm, không thể nói từng khâu hay từng công đoạn, mà phải là cả chuỗi sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh ngành thủy sản hiện có đến 70-80% là nuôi trồng.
Ông Hòe nói rằng đối với nuôi trồng, câu chuyện chuỗi sản xuất lại là chuyện hết sức quan trọng, bởi nó là yếu tố căn bản nhất để giải quyết vấn đề chất lượng và cả giá thành - yếu tố quyết định đến lợi thế cạnh tranh cũng như các vấn đề liên quan đến phát triển.
Được biết, tại quyết định 1434/QĐ-TTg đã đề mục tiêu tổng thể là: “Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững thủy sản; phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn; có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái; từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân...”.
Còn mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 của quyết định, đó là đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hàng năm 6%; tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5-7 triệu tấn; chủ động sản xuất trong nước 100% giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; 100% giống tôm sú, tôm chân trắng và cá tra là giống sạch bệnh; 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) hoặc các chứng nhận tương đương.
Ngoài ra, quyết định trên cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt giá trị xuất khẩu thủy sản 8-9 tỉ đô la Mỹ. Đây là mục tiêu được một số người trong cuộc đánh giá khá nhẹ cho ngành thủy sản.