Sóng nhiệt là khoảng thời gian có hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần, chủ yếu diễn ra ở các quốc gia có khí hậu đại dương. Tiến sĩ Andrew Jeffs - Đại học Auckland - cho biết đợt sóng nhiệt 5 năm tại Northland (New Zealand) đặc biệt khó chịu vì thời tiết nóng bức kết hợp thủy triều thấp vào giữa ngày.
Theo báo The Guardian, nhiều địa phương tại Northland đã hơn 40 ngày qua không có mưa, trong khi nhiệt độ luôn ở mức cao. Nhiệt độ cao không chỉ khiến con người cảm thấy khó chịu mà cả động vật cũng bị ảnh hưởng. Nhiều con chim chết khi chúng xuống nước để kiếm mồi, những loài có vỏ như trai, vẹm chết vì nước nóng.
Loài trai, vẹm cùng nhiều loài có vỏ là đối tượng dễ tổn thương vì sống gần bờ, thủy triều xuống thấp khiến chúng không còn lớp nước bảo vệ. Nằm phơi thân dưới ánh nắng mặt trời trong nhiều giờ đồng hồ khiến cái chết đến là điều không tránh khỏi với những loài này.
Theo tiến sĩ Andrew Jeffs, động vật có vỏ như trai, vẹm rất quan trọng về mặt sinh thái đối với môi trường ven biển của New Zealand. Nếu chúng biến mất khỏi các khu vực rạn san hô vì điều kiện khí hậu thì toàn bộ hệ thống rạn san hô cũng sẽ bị khô và chết.
Ngoài chim muông, trai, vẹm, nhiều loài động vật khác cũng sẽ chết, thậm chí là diệt vong nếu tình hình thời tiết khắc nghiệt kéo dài.
Việc cả trăm ngàn con trai chết há vỏ trên bãi biển còn dẫn đến một tình trạng khó chịu hơn cho người dân vùng Northland, đó là mùi hôi thối. Thời tiết nóng bức khiến phần thịt trai thối càng bốc mùi kinh khủng, dù đã có nhiều loài chim như mòng biển đến đây để ăn mồi.
Chính quyền Northland hiện đang tìm cách xử lý đống trai chết này và yêu cầu người dân không mang chúng về làm thực phẩm.