Ra khơi lúc 17 giờ chiều, đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, tàu anh Đặng Văn Sáu - ngư dân xã Diễn Ngọc đã đánh bắt được 1,3 tạ tôm. Với giá hiện tại 25 nghìn đồng/kg anh thu được 3 - 4 triệu đồng/chuyến.
Diễn Ngọc là xã có số lượng tàu chuyên đánh bắt tôm nhiều nhất ở Diễn Châu với 120 tàu, những ngày này bình quân mỗi ngày đội tàu này khai thác từ 8 – 10 tấn tôm, đem lại giá trị từ 25 – 30 triệu đồng/ngày.
Tôm trên vùng biển Diễn Châu rất dồi dào. Thời gian qua, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư khai thác tôm. Sản lượng khai thác được các thương lái thu mua ngay tại bến sau mỗi chuyến đánh bắt.
Tôm được các thương lái thu mua tập kết tại bến.
Toàn huyện Diễn Châu hiện có trên 1.400 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có 150 tàu chuyên khai thác tôm với sản lượng đánh bắt hàng năm trên 800 tấn, đem lại giá trị hơn 22 tỷ đồng.
Những năm gần đây ngư dân Diễn Châu đã tập trung phát triển nghề khai thác tôm, phục vụ xuất khẩu và sản xuất tôm nõn - một đặc sản của địa phương.
Cơ sở chế biến tôm nõn của bà Cao Thị Khuyến, xã Diễn Ngọc giải quyết việc làm và thu nhập cho 50 lao động mỗi ngày.
Ngoài những loại tôm có giá trị xuất khẩu như tôm he, tôm sú thì ngư dân Diễn Châu còn đánh bắt được rất nhiều loại tôm nghệ, tôm sắt, tôm vằn. Đây là những loại tôm rất đặc trưng và có nhiều ở vùng biển Diễn Châu. Những loại tôm này thường được chọn làm tôm nõn, bởi thành phẩm cao, chất lượng con tôm tươi hơn, có vị ngọt đậm và giá trị dinh dưỡng rất cao. Nhờ phát triển nghề khai thác tôm, nên đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động chuyên chế biến tôm nõn.
Cùng với việc phát triển nghề khai thác tôm, huyện Diễn Châu đang tập trung xây dựng phát triển nghề chế biến tôm với nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu”, tạo đầu ra ổn định, giúp ngư dân yên tâm nghề khai thác tôm.