Đó là quan điểm của Tổng cục trưởng Thủy sản Thái Lan Adisorn Prothep vừa đưa ra tại diễn đàn Tương lai nghề cá sông Mekong.
Tại hội nghị, các chuyên gia ngành thủy sản đã đưa ra một số giải pháp nhằm giảm các tác động tiêu cực của hoạt động xây dựng các đập thủy điện ở phía thượng nguồn sông Mekong đối với ngư dân ở phía hạ nguồn.
Ông Adisorn Promthep cho biết, các biện pháp sẽ đòi hỏi sự phối hợp ngoại giao sâu hơn nữa của chính phủ Thái Lan với Lào, nơi đã và đang tiến hành xây dựng khá nhiều đập giữ nước, đồng thời lên kế hoạch bảo tồn những nguồn tài nguyên còn sót lại.
"Chúng ta cần bàn hiện nay chính là nhu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học nói chung cũng như các giống loài thủy sản nói riêng và bảo tồn tài nguyên nước ngọt của dòng Mekong với Lào để giảm bớt các tác động xấu. Lý do vì sao thì chúng ta đã đều tận mắt chứng kiến những hệ lụy trong thời gian qua như thế nào rồi", ông Adisorn nói với báo chí.
Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay theo lãnh đạo ngành thủy sản Thái Lan là “chúng ta không thể làm được điều đó một mình”. Và đây là lý do tại sao chúng tôi cần Ủy hội sông Mekong (MRC) vào cuộc giải quyết vấn đề liên quan đến nhiều quốc gia này.
MRC hiện là tổ chức liên chính phủ duy nhất có quy chế hoạt động, làm việc trực tiếp với chính phủ các nước trong lưu vực sông Mekong nhằm quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước.
Về phía Thái Lan, thời gian vừa qua nước này cũng đã triển khai chương trình mang tên “Giám sát thủy sản”, như một cơ chế cảnh báo sớm cho ngư dân ở phía hạ lưu. Theo đó, hệ thống này sẽ cảnh báo cho ngư dân về bất kỳ sự thay đổi nào về dòng chảy trên sông, khởi nguồn từ hoạt động của các nhà máy thủy điện ở Trung Quốc và Lào gây ra.
Ngoài ra theo ông Adisorn, chương trình cũng sẽ tiến đến xây dựng một "khu bảo tồn cá" trên dòng Mekong cũng như các nhánh nhỏ nhằm duy trì nguồn cá không bị hủy diệt. Hơn nữa, cơ quan này cũng lên kế hoạch xây dựng một số hành lang cho các loài thủy sinh trú ngụ để cho các loài cá tôm di cư có thể tìm đường ngược dòng sinh sản.
Tổng cục Thủy sản Thái Lan cũng đang lên chiến dịch phóng sinh nguồn cá giống, bao gồm các loài đặc hữu của sông Mekong như cá tra dầu khổng lồ. Ông Adisorn nhấn mạnh rằng: “Tất cả các loài cá tôm được tái tạo phải có nguồn gốc trong vùng. Phóng sinh đàn giống vào tự nhiên không phải là cách tốt nhất để bảo tồn một loài vì tỷ lệ sống tương đối thấp. Do đó, cách tốt nhất để bảo vệ chúng chính là bảo tồn được môi trường sống tự nhiên của chúng".
Khi được hỏi về số lượng ngư dân bị ảnh hưởng đời sống do mực nước sông Mekong trong mùa mưa lũ năm nay đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, ông Adisorn cho biết, các dữ liệu hiện vẫn đang tiếp tục được thu thập để có đánh giá một cách tương đối sát về vấn đề này.
Tuy nhiên, ước tính đã có khoảng 60 triệu ngư dân có nguồn sống phụ thuộc vào lưu vực sông Mekong, sản lượng đánh bắt chiếm khoảng 25% tổng lượng cá nước ngọt của thế giới.