Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2017, thay thế Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) ngày 29/4/2014. Một số quy định đã được sửa đổi tại NĐ 55 cùng với Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT(TT 07) ngày 21/3/2017 của Bộ NN và PTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Sản phẩm thủy sản – cá tra phi lê đông lạnh” đã thiết lập một tiêu chuẩn chất lượng chung cho sản phẩm cá tra XK.
Điểm thay đổi đầu tiên của NĐ 55 so với NĐ thay thế là, DN không còn phải đăng ký hợp đồng XK cá tra. Trước đó, tại NĐ 36 quy định thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội cá Tra Việt Nam. “Cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội cá Tra Việt Nam xác nhận.”
Điều kiện xuất khẩu mới bao gồm:
Thứ nhất là phải được chế biến từ cơ sở chế biến cá tra đáp ứng được yêu cầu quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định thì phải đáp ứng một trong hai điều kiện sau:
(1) Có hợp đồng mua sản phẩm cá tra được chế biến tại cơ sở chế biến cá tra đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định này;
(2) Có hợp đồng gia công, chế biến với chủ sở hữu cơ sở chế biến đáp ứng quy định tại Điều 5 Nghị định này.
Thứ hai, phải đáp ứng các quy định về điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm tại Điều 6 Nghị định này và quy định của quốc gia nhập khẩu. Trường hợp quốc gia nhập khẩu có quy định khác với pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của quốc gia nhập khẩu.
Trình tự, thủ tục hải quan đối với sản phẩm cá tra XK thực hiện theo quy định của Luật hải quan. Tổ chức, cá nhân không phải xuất trình giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm cá tra cho cơ quan hải quan.
Nghị định giao nhiệm vụ cho Bộ NN và PTNT chủ trì xây dựng, ban hành tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản cấp tỉnh về việc cấp mã số nhận diện ao nuôi.
Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi, chế biến cá tra; kiểm tra, giám sát chất lượng cá tra nuôi, chế biến, xuất khẩu theo thẩm quyền…
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ chỉ đạo Tổng cục Hải quan tổng hợp, báo cáo định kỳ tình hình xuất nhập khẩu cá tra vào ngày 20 hàng tháng gửi Bộ NN và PTNT, Bộ Công Thương.
Trước đó, ngày 21/3/2017, Bộ NN và PTNT cũng đã ban hành Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản cá tra phile đông lạnh, theo đó, tỷ lệ mạ băng cá tra phile không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm. Còn hàm lượng nước không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm.
So với ban đầu, hai hàm lượng này đã được nâng lên. Cụ thể, theo Điều 6 của NĐ 36 quy định tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải có tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%; còn hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.
Như vậy, NĐ 55 và TT07 đã tạo nên khung pháp lý chung về chất lượng cho sản phẩm cá tra Việt Nam XK. Hai văn bản này đã được cộng đồng DN thủy sản đồng tình và ủng hộ. Đây cũng là thông tin được trông đợi của các nhà nhập khẩu quốc tế trong suốt 3 năm sau khi NĐ 36 ban hành.