Mô hình nuôi bạch tuộc thương mại quy mô lớn được đánh giá là mang lại tiềm năng về kinh tế nhưng vẫn đang vấp phải tranh cãi do vấn đề phúc lợi động vật (animal welfare). Trong nỗ lực để phát triển ngành này, các nhà khoa học ở New Zealand vừa công bố những nghiên cứu mới về công nghệ sản xuất giống để ấp trứng và ương dưỡng ấu trùng bạch tuộc trong môi trường nhân tạo.
Hiện tại, khi nuôi bạch tuộc người ta thường vỗ béo bạch tuộc bố mẹ bị đánh bắt theo nhu cầu thị trường từ môi trường tự nhiên, sau đó nuôi nhốt, kích thích sinh sản và cho ấp trứng. Tuy nhiên, bạch tuộc trưởng thành bị nuôi nhốt dễ stress, ngoài ra việc đánh bắt để sản xuất giống sẽ gây ảnh hưởng đến quần thể bạch tuộc tự nhiên. Bên cạnh đó, sử dụng bạch tuộc trưởng thành để ấp trứng gây tốn kém, giảm lợi ích kinh tế.
Do đó, nghiên cứu đã thử nghiệm các phương pháp ấp trứng bạch tuộc nhân tạo, nhằm loại bỏ các chi phí liên quan đến việc duy trì bạch tuộc cái trưởng thành để ấp trứng.
Thí nghiệm liên quan đến thời gian phát triển và ấp trứng từ ba lứa của bạch tuộc Octopus tetricus, sử dụng kết hợp thử nghiệm dòng nước biển và sục khí trong hệ thống ấp trứng.
Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận thành công nở của hơn 90% trong các hệ thống ấp trứng có thêm sục khí cho cả ba lứa, so với tỷ lệ thành công 10-40% trong các hệ thống nâng cao mà không sục khí.
Trong khi đó, tốc độ dòng nước biển cao hơn đã cải thiện tỷ lệ nở thành công khi không có sục khí, từ đó có thể kết luận là cần phải có sự xáo trộn liên tục xung quanh khi trứng phát triển để duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ trứng nhiễm mầm bệnh.
Kết quả chứng minh rằng việc ấp trứng bạch tuộc nhân tạo vẫn khả thi khi không có bạch tuộc mẹ ấp trứng, đây là bước đầu tiên quan trọng để nâng cao hiệu quả trong sản xuất giống của bạch tuộc cung cấp cho nuôi trồng quy mô lớn.
Theo The Fish Site