Ngư dân buồn vì thất thu
“Sản lượng khai thác vụ cá Nam năm nay sụt giảm, trong khi chi phí mỗi chuyến biển tăng cao. Hơn nữa, vụ cá Bắc sắp tới thời tiết thất thường, biển động thường xuyên, nên ngư dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ngư dân Đỗ Trước, hành nghề lưới rê, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.
Theo ông Trước, mỗi chuyến biển kéo dài 25 ngày ở ngư trường Hoàng Sa tốn gần 200 triệu đồng, trong đó, chi phí nhiên liệu chiếm 2/3. Vụ cá Nam 2018, trong 5 chuyến vươn khơi, tàu ông Trước có đến 4 chuyến hòa tổn. Vì vậy, ngoài vấn đề thu nhập, ông Trước còn lo lắng các lao động sẽ bỏ tàu, hoặc chuyển sang nghề khác. “Biển giả thất thường, nên việc lỗ lãi hay hòa vốn là bình thường. Nhưng với các lao động đi biển thì khác, nếu làm với mình mà thu nhập không cao, họ sẽ tìm tàu khác, hoặc chuyển sang công việc khác”, ông Trước bộc bạch.
Không chỉ những tàu công suất nhỏ, mà nhiều chủ tàu công suất lớn cũng lao đao, do hiệu quả khai thác hải sản không như mong đợi. Vì vậy, thay vì tranh thủ khởi động vụ cá Bắc như mọi năm, hiện tại nhiều tàu công suất lớn phải nằm bờ. “Giá nhiên liệu tiếp tục tăng, lao động khan hiếm và đòi tăng giá, trong khi sản lượng hải sản thu được quá thấp, nên thu không đủ chi, đành phải cho tàu nằm bờ”, chủ tàu công suất 610CV Lưu Đình Dũng, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho biết.
Trong khi đó, một số chủ tàu vỏ thép cũng hoạt động cầm chừng, vì hiệu quả sản xuất không cao. Thậm chí, một số chủ tàu còn chọn cách “kiêm nghề”, nhưng vì không huy động được vốn đầu tư ngư lưới cụ, nên thời gian tàu vươn khơi ít hơn nằm bờ.
Theo lý giải của các ngành chức năng, hiệu quả của tàu vỏ thép chưa cao là do việc vận hành các máy móc, thiết bị hiện đại khiến chi phí đầu vào cho chuyến biển tăng, trong khi sản lượng và giá trị hải sản lại giảm. Hơn nữa, ngư dân cũng chưa quan tâm đến việc đầu tư công nghệ mới trong bảo quản hải sản, nên tổn thất sau thu hoạch chiếm trên 30% tổng giá trị của chuyến biển.
Doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguyên liệu
Sản lượng khai thác hải sản sụt giảm, nên các DN chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh cũng lao đao vì thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất. Ngoài việc chậm cung ứng hàng cho đối tác, một số DN còn rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”, vì “trót” đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng. Như Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin (KCN Quảng Phú) đã đầu tư mở rộng quy mô khu vực xưởng sơ chế và kho cấp đông hiện đại, với diện tích đủ chứa 1.000 tấn cá. Thế nhưng, vụ cá Nam đã kết thúc mà kho cấp đông chỉ sử dụng 1/3 diện tích, khiến DN chật vật, vì hụt sản lượng xuất khẩu, vừa tốn chi phí bảo quản.
Theo các DN, ngoài nguyên nhân thất thu vụ cá Nam, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu là do nguồn hải sản trong tỉnh bị “chảy máu”. Thống kê cho thấy, sản lượng hải sản tiêu thụ tại tỉnh chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng khai thác. Nguyên nhân, phần lớn tàu thuyền công suất lớn của ngư dân trong tỉnh cập cảng ở các địa phương khác và bán sản phẩm ở đó. “Nhiều ngư dân cũng chọn cách bán sản phẩm ngay tại biển cho các tàu dịch vụ hậu cần ngoài biển, để vừa tiết kiệm chi phí nhiên liệu, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ngư dân Đỗ Trước cho biết.
Xảy ra tình trạng trên là do các cảng cá trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu neo đậu, cũng như dịch vụ hậu cần nghề cá. Mặt khác, các tàu thu mua hải sản ngoài biển hầu hết là của các địa phương khác, hiếm có tàu của tỉnh.
Trước những khó khăn trên, ngư dân Quảng Ngãi mong chờ sự “tiếp sức” của Nhà nước. Đó là quan tâm đầu tư điều tra, quan trắc nguồn lợi ở các ngư trường, từ đó nâng cao hiệu quả công tác dự báo và phổ biến ngư trường, giúp ngư dân chủ động, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản. Đồng thời hoàn thiện các khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh, hạn chế phụ thuộc vào đầu nậu, thương lái trong việc tiêu thụ sản phẩm.