Tại các huyện vùng hạ: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, nông dân phải đối mặt với giá tôm giảm kỷ lục. Theo thống kê, vụ tôm năm 2019, đến nay, toàn tỉnh thả nuôi 2.747,4ha tôm nước lợ, trong đó, thu hoạch 2.578,9ha, năng suất bình quân ước 2,2 tấn/ha, sản lượng 5.754,8 tấn. Hiện, tôm thẻ chân trắng cỡ 60-70 con/kg có giá từ 80.000-90.000 đồng/kg, cỡ 100-110 con/kg có giá từ 65.000-75.000 đồng/kg; tôm sú cỡ 40-50 con/kg có giá từ 190.000-200.000 đồng/kg, cỡ 70-80 con/kg có giá từ 100.000-120.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Sơn (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) nói: “Tôi có hơn 10 năm gắn bó với con tôm. Nuôi được con tôm cho đến ngày thu hoạch là cả một vấn đề, tiêu tốn bao nhiêu tiền của cho con giống, thức ăn, lại mất ăn, mất ngủ vì lo sợ dịch bệnh. Chưa kịp vui khi đến mùa thu hoạch thì giá tôm năm nay lại giảm mạnh, tôm có kích cỡ 100 con/kg chỉ bán được với giá 75.000 đồng/kg là cao lắm rồi. Nếu so với năm trước, cỡ tôm này phải bán được trên 90.000 đồng/kg.Tính ra, vụ tôm này mất đứt 30% lợi nhuận. Hiện tại, tôi còn 1 ao đến kỳ thu hoạch nhưng cố nuôi thêm một thời gian để chờ giá lên”.
“Hiện nay, giá thức ăn, tôm giống thì không giảm nhưng giá tôm thương phẩm liên tục giảm. Với giá tôm thẻ chân trắng như hiện nay thì coi như lỗ vì không đủ tiền giống, thức ăn, tiền điện,...” - ông Sơn ngán ngẩm nói.
Còn tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười, tình hình ươm nuôi cá tra giống của người dân cũng gặp khó khăn về giá và bệnh. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang ươm cá tra giống khoảng 3.359,9ha (2.213 hộ), tập trung chủ yếu tại các huyện: Tân Hưng (1.694,76ha), Tân Thạnh (1.294,96ha), Vĩnh Hưng (149,5ha), Thạnh Hóa (84,3ha), Mộc Hóa (86ha) và thị xã Kiến Tường (50,4ha). Ông Đỗ Tương Liêm (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh) cho biết: “Tôi nuôi cá tra giống được 2 vụ nhưng toàn lỗ. Qua 2 vụ nuôi, tôi lỗ khoảng 300 triệu đồng, cộng với chi phí đào ao, trang thiết bị phục vụ quá trình nuôi,... gia đình thiếu nợ hơn 400 triệu đồng. Bây giờ, đi tới đâu trên các vùng ươm cá tra giống, tôi cũng nghe người nuôi than cá bị nhiễm bệnh, ươm không đạt, giá cả bấp bênh, thua lỗ nặng”.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, nguyên nhân dẫn đến người dân ươm nuôi cá tra giống thua lỗ bên cạnh về giá giảm, còn do chất lượng con giống không bảo đảm, thiếu kiến thức, kỹ thuật ươm nuôi cá. Trước thực trạng trên, tỉnh tăng cường quản lý hoạt động ươm cá tra giống, rà soát vùng nuôi để có đầu tư xây dựng mô hình ươm cá bột ứng dụng công nghệ cao (ươm 2 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo môi trường nuôi,...), tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản cho nông dân nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và bảo vệ môi trường. Tỉnh tổ chức giám sát chất lượng môi trường nước, dự báo diễn biến môi trường cũng như dịch bệnh có thể phát sinh, từ đó có giải pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quản lý chặt chẽ nguồn vật tư hóa chất cung ứng trên thị trường phục vụ nuôi trồng thủy sản theo quy định của Nhà nước, đồng thời, củng cố liên kết với các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho cá tra, giúp nông dân an tâm trong canh tác cá tra bột.