Tôm đi Mỹ gian nan kiện nối tiếp kiện
Năm 1994, khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận thương mại, hàng thủy sản Việt Nam bắt đầu được đi thẳng sang thị trường Mỹ. Từ tháng 7/2000, sau khi ký kết Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ, thủy sản XK của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh. Trong đó cá tra/basa và tôm Việt Nam đã chiếm được thị phần đáng kể, được đông đảo người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng.
Trước thực trạng lượng tôm NK vào Mỹ ngày một tăng, giá cả cạnh tranh và có cơ đe dọa ngành tôm nội địa (vốn có giá thành sản xuất cao hơn hẳn), ngày 31/12/2003, Liên minh Tôm Miền nam Hoa Kỳ (SSA) chính thức nộp đơn khởi kiện “chống bán phá giá (CBPG)” các sản phẩm tôm nước ấm lên Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) đối với các DN XK tôm vào thị trường Mỹ của một số nước, trong đó có Việt Nam.
Ngày 6/7/2004, DOC tiến hành điều tra bán phá giá trên khoảng 33 công ty của Việt Nam, gồm 4 bị đơn bắt buộc và 29 bị đơn tự nguyện. Đến ngày 31/1/2005, ITC công bố phán quyết cuối cùng và áp dụng lệnh áp thuế CBPG của Hoa Kỳ đối với tôm NK từ Việt Nam. Theo đó, thuế suất trung bình là từ 4-5% và mức cao nhất là 25,76%. Vụ kiện tôm đã trải qua 7 giai đoạn xem xét hành chính (POR) với các mức thuế khác nhau, nhưng ngày càng thấp.
Còn đang gian nan với vụ kiện CBPG, cuối tháng 12/2012, Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh (CGSI) lại đệ đơn lên DOC yêu cầu cơ quan này tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với tôm NK từ các nước (gồm có Việt Nam). Sau quá trình điều tra, ngày 12/8/2013, DOC ra Quyết định cuối cùng của vụ kiện chống trợ cấp (CVD) và áp mức thuế CVD lên các DN XK tôm của Việt Nam với thuế suất trung bình 4,52%, đặt các DN XK tôm Việt Nam vào thế kiện nối tiếp kiện, thuế chồng lên thuế.
Tuy nhiên, qua các kỳ xem xét hành chính (POR) hằng năm, với sự cương quyết và đấu tranh liên tục của các DN Việt Nam, mức thuế chống bán phá giá đã giảm đi rõ rệt. Gần đây nhất, tại kỳ POR7 (1/2/2011 đến 31/1/2012), DOC đã phải công nhận Việt Nam không bán phá giá tôm trên thị trường Mỹ, và do đó, các DN đều được hưởng mức thuế 0%.
Đặc biệt bất ngờ, ngày 20/9/2013 vừa qua, ITC đã bỏ phiếu chống lại Quyết định của DOC, phủ quyết việc áp thuế CVD đối với tôm NK từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan và Ecuado.
Đây là những tín hiệu vui cho các DN XK tôm Việt Nam, nhưng mối lo vẫn chưa thực sự hết khi đại diện của CGSI tỏ ra thất vọng và tuyên bố sẽ xem xét lại chi tiết vụ việc để xác định những bước đi tiếp theo về kháng cáo, theo đuổi vụ kiện CVD.
Cá tra liệu có vụ kiện CVD?
Trước cả tôm, ngay từ năm 2000, khi thị phần cá basa Việt Nam tại thị trường Mỹ đang còn rất nhỏ bé, Hiệp hội các Chủ trại nuôi Cá nheo Mỹ (CFA) đã lên tiếng về nguy cơ bị gây thiệt hại vì cá NK. Năm 2001, CFA khở đầu tố cáo Việt Nam bán phá giá cá tra/basa.
Ngày 13/5/2002, Mỹ phê chuẩn và ban hành Đạo luật An ninh trang trại và Đầu tư nông thôn H.R.2646, trong đó có điều khoản 10806 quy định chỉ các loài thuộc họ cá nheo Mỹ mới được mang tên catfish, không cho phép gọi cá tra/basa Việt Nam là catfish. Theo đó, Mỹ đã giành quyền sở hữu tên catfish (vốn là tên chung cho 2.500 loại cá da trơn trên thế giới).
Ngày 28/6/2002, CFA chính thức đệ đơn lên ITC và DOC kiện các DN Việt Nam bán phá giá cá tra/basa vào thị trường Mỹ với đề xuất mức thuế CBPG 190%. Sau quá trình điều tra, ngày 07/8/2003, DOC chính thức áp thuế CBPG lên các DN Việt Nam với thuế suất từ 36,84-63,88% và có hiệu lực từ ngày 12/8/2003.
Trải qua hơn 10 năm vướng phải vụ kiện CBPG tại Mỹ, đến nay cá tra Việt Nam vẫn chưa thể thoát khỏi “vòng kim cô” này. Trong quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 và 9 (POR8 – POR9) vừa qua, DOC đã dùng đến chiêu bài “chuyển quốc gia thay thế” sang Inđônêxia để tính giá trị đầu vào, thay cho Bănglađet đã sử dụng trong các kỳ POR trước đây (vốn có lợi cho các DN Việt Nam) khiến mức thuế tăng vọt.
Tuy nhiên, trong tương lai không xa, vụ kiện CBPG đối với cá tra Việt Nam tại Mỹ chắc chắn sẽ phải chuyển biến tích cực. Theo lộ trình của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam chỉ “bị coi là nền kinh tế phi thị trường trong 12 năm” (không muộn hơn ngày 31/12/2018). Điều này cũng có nghĩa là từ sau năm 2018 trở đi, Việt Nam chính thức được WTO công nhận là một nền kinh tế thị trường.
Khi đó, đối với vụ kiện CBPG, việc sử dụng nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá đối với Việt Nam sẽ hoàn toàn chấm dứt. Thay vào đó, mọi tính toán đều phải dựa trên cơ sở giá trị và thực tế ngay tại Việt Nam. Đây là viễn cảnh không mong muốn cho CFA trong vụ kiện CBPG cá tra, bởi lẽ, khi ấy chắc chắn CFA thua kiện.
Cá tra gắn nhãn ASC của Hùng Vương
Tất nhiên, CFA phải lường trước được điều này và họ sẽ không chịu ngồi yên để cá tra Việt Nam tự do chiếm lĩnh thị trường Mỹ. Để tiếp tục ngăn cản, cần thiết phải tạo ra một hàng rào mới. Và còn gì thích hợp hơn, hiệu quả hơn là kiện chống trợ cấp ? Vì chí phí thấp hơn (không phải tính toán hay khảo sát từ nước thứ ba), cơ hội thắng kiện cao và nhất là mức thuế CVD cũng không hề thấp hơn thuế CBPG.
Biết đâu ngay lúc này, CFA đã lên kế hoạch sẵn sàng cho một chương trình hành động và các thủ tục khởi kiện CVD đối với cá tra Việt Nam? Đến năm 2018, khoảng thời gian không nhiều để các DN cá tra Việt Nam chuẩn bị kỹ để đối mặt với trở ngại mới.
Vai trò của Chính phủ
Trước hết, cần nhìn lại vụ kiện đầu tiên của Việt Nam tại WTO, vụ “DS404 - Việt Nam kiện Hoa Kỳ về một số biện pháp mà nước này sử dụng trong điều tra CBPG Việt Nam”.
Tháng 3/2009, VASEP có công văn gửi Bộ Công Thương đề xuất việc kiện Hoa Kỳ ra WTO, do họ đã sử dụng các phương pháp tính toán vi phạm các nguyên tắc của WTO trong vụ kiện CBPG tôm. Đề xuất này đã không được phản hồi tích cực. Tháng 10/2009, sau khi nghiên cứu kỹ đề xuất của VASEP, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng có công văn đề nghị Chính phủ Việt Nam khởi kiện.
Nhiều cuộc tranh luận trong nội bộ cũng như giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan đã diễn ra. Một số cuộc họp đã được triệu tập tại Bộ Công Thương, nhiều cuộc trao đổi đã được thực hiện bên lề các sự kiện khác tại các Bộ Tư pháp, Ngoại giao. Có những ý kiến phản đối kịch liệt vì quan ngại một vụ kiện sẽ làm phương hại đến quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và không mang lại lợi ích cho Việt Nam cả về kinh tế lẫn ngoại giao. Ý kiến khác e ngại sẽ không thể thắng vì Mỹ đã quá sành sỏi trong các vụ việc tranh chấp tại WTO. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng đây là vấn đề của DN, vì DN và liên quan trực tiếp đến lợi ích của DN, nên DN phải tự gánh vác, Nhà nước không có trách nhiệm phải hành động gì.
Mọi chuyện sau đó, như đã biết, Việt Nam quyết định khởi kiện và đã thắng lợi giòn giã. Song, điều đáng nói trong vụ việc trên, là vai trò của nhiều cơ quan Chính phủ còn mờ nhạt, có khá đông cơ quan còn e ngại, chưa đồng hành và chưa sẵn sàng bảo vệ lợi ích cho DN. Nếu không có những nỗ lực vận động sâu rộng và quyết tâm đấu tranh từ các tổ chức nghề nghiệp như VASEP và VCCI, vụ kiện có thể đã đi theo chiều hướng khác.
Trong xu thế ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ắt các vụ kiện CBPG, chống trợ cấp đối với các DN Việt Nam sẽ ngày càng tăng lên. Đã đến lúc các cơ quan Chính phủ không thể né tránh hay đứng ngoài cuộc được nữa. Bởi lẽ, trong vụ kiện CVD, ngoài các DN, các cơ quan Chính phủ cũng là bị đơn bắt buộc. Chính phủ chắc chắn phải giải trình về các chính sách của mình và cùng với từng DN phân tích mức hưởng lợi từ các chính sách và luật lệ đã ban hành.
Các vụ kiện CVD là nguy cơ rủi ro hiện hữu trước mắt, các DN Việt Nam phải ở tư thế chuẩn bị sẵn sàng để đối phó. Nhưng, mặc dù vụ kiện nào cũng đầy cam go và khốc liệt, so với các vụ kiện CBPG, khi đối mặt với vụ kiện CVD, các DN Việt Nam ít ra sẽ không phải chịu cảnh “đơn thương độc mã”. Các cơ quan quản lý nhà nước chắc chắn sẽ phải cùng đồng hành với DN để bảo vệ lợi ích chung của ngành cũng như của nền kinh tế đất nước.