Có hơn 100 loài ếch phi tiêu độc khác nhau và tất cả chúng có chiều dài cơ thể chỉ từ 2,5 - hơn 5 cm. Các loài ếch này đều có màu sắc sặc sỡ như lời cảnh báo cho kẻ thù rằng chúng rất nguy hiểm. Bộ da chính là nơi chứa chất độc của chúng. Thức ăn của chúng hầu như chỉ là nhện và các côn trùng nhỏ như kiến và mối mà chúng kiếm được bằng cách vận dụng tầm nhìn lạ thường của mình trong các khu rừng. Khi phát hiện con mồi, loài ếch này sẽ sử dụng chiếc lưỡi dài dính như keo để tóm lấy.
Loài ếch phi tiêu độc màu xanh da trời khi trưởng thành dài 2,5 cm và thường được tìm thấy trong các khu rừng nhiệt đới của Costa Rica và Brazil. Nhưng môi trường sống của chúng đang bị hủy hoại nghiêm trọng.
Giờ đây, tại phòng thí nghiệm của Trường cao đẳng Walford và Bắc Shropshire, các chuyên gia động vật đã nhân giống thành công loài lưỡng cư gây chết người này từ một cặp ếch phi tiêu đực và cái. Báo Dailymail dẫn lời ông Simon Metcalfe - chỉ huy dự án cho biết, mặc dù loài ếch này đẻ trứng nhiều lần nhưng các sinh viên đã không thành công trong việc biến trứng thành nòng nọc. Trứng của chúng luôn bị mốc và không thành hình. "Sau khi nghiên cứu các điều kiện môi trường cần thiết và thói quen sinh sản của loài ếch này, chúng tôi đã có một số điều chỉnh và chờ đợi chúng đẻ ổ trứng đầu tiên". Khi cặp ếch cho ra 1 quả trứng đã thụ tinh, nhóm sinh viên sẽ đặt quả trứng vào một cái ao bên trong phòng thí nghiệm. Cần 12 tuần để ếch con phát triển.
Nhóm 4 chuyên gia đã thiết lập cho nước trong ao ở nhiệt độ 27 độ C (80 độ F) và chiếu tia UV vào ao để tái tạo các điều kiện môi trường sống tự nhiên cho ếch độc. Bất chấp tiếng tăm đáng sợ của loài ếch này, các sinh viên thuộc nhóm nghiên cứu không có gì phải ngại vì chúng chỉ tiết ra chất độc sau khi ăn một số loại vỏ cây và côn trùng độc trong thế giới hoang dã.