Chuyện đời sau gánh cá
Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời còn chưa nhô lên khỏi lòng đại dương mênh mông là trên cảng cá Lộc An (Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhộn nhịp hàng chục phụ nữ chân đi ủng cao su, tay quấn găng, mặt đeo khẩu trang kín mít. Họ là những công nhân phân loại cá khi sản phẩm được đưa từ dưới thuyền, ghe lên bờ. Chị Nguyễn Thị Huyền, 34 tuổi, ở xã Phước Hội cho biết, chị làm công nhân ở đây đã hơn chục năm. Hàng ngày, các chị làm từ 4 giờ sáng tới khoảng 12 giờ thì nghỉ bởi lúc đó, các ghe thuyền tiếp nhiên liệu, chuẩn bị đi chuyến biển mới. Công việc cũng không có gì nặng nhọc, nhưng cần sự chăm chỉ, chịu khó. “Các ghe ở đây chủ yếu đánh bắt gần bờ, một hải trình thường kéo dài 5 - 10 ngày nên các loại cá thu được chủ yếu là cá tạp, ghẹ, mực, ruốc... Hơn nữa, ngư dân dùng lưới kéo nên cá, tôm đều được bỏ vào khoang đá chứ chưa phân loại. Vì thế, khi ghe cập cảng là chúng tôi nhận làm công việc ấy. Nếu là cá nhỏ, ruốc thì bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc; còn mực, ghẹ thì có thể đưa về các chợ đầu mới bán lẻ cho người tiêu dùng”, chị Huyền kể.
Cũng theo chị Huyền, mỗi ngày làm ở cảng cá, các chị được trả công 130.000 đồng, đủ để trang trải sinh hoạt cho gia đình. “Chồng tôi không may bị tai nạn trong một chuyến biển cách đây 2 năm nên giờ ngoài chuyện cơm nước ở nhà, anh ấy không giúp được gì. Tất cả gánh nặng mưu sinh dồn lên tôi. Cũng may, ra Giêng tàu ghe đi nhiều, hải sản cũng lắm nên tôi liên tục làm tăng ca, có ngày đút túi 200.000 đồng”, chị Huyền cho biết thêm.
Không làm công nhân trên cảng cá nhưng chị Phan Thị Hậu, 41 tuổi, ở thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) cũng có ngót 20 năm gắn bó với vị tanh nồng của biển. Chị Hậu chia sẻ: “Tôi sinh ra đã là dân làng biển nên từ bé đã theo mẹ ra đây ngóng cha, ngóng các anh sau đêm giăng lưới. Cũng từ đó, tôi bắt đầu nhặt nhạnh, mót những con cá nhỏ rơi vãi trên nền cát để kiếm tiền. Lớn lên, lấy chồng, cũng như hàng trăm phụ nữ quê biển, tôi lại tiếp tục theo nghề. Dịp đầu năm, ngày nào tôi cũng thu được vài chục kilôgam cá, chủ yếu là cá nục sòng, cá ồ, trích và bán lại cho thương lái. Tuy vất vả, nhưng quan trọng là gia đình có thêm thu nhập bởi chuyện ăn học của 3 đứa nhỏ đều trông chờ vào những mẻ lưới và gánh cá này”.
Tiếng cười cùng những lo toan
Hầu hết những phụ nữ ở làng chài mà chúng tôi gặp không bao giờ nghĩ mình sẽ nhận được quà của chồng hay người thân trong ngày 8/3 – Ngày Quốc tế phụ nữ. Với họ, niềm hạnh phúc lớn nhất có lẽ là tiếng cười vui vẻ của những đứa con, là sự bình an của chồng sau một đêm dài lênh đênh trên biển, là những khoang thuyền nặng cá, tôm. Nó đơn sơ và bình dị như bao đời nay vẫn vậy. Thế nên, khi nhìn những bóng dáng nhỏ bé, lầm lũi với những gánh cá còn nhỏ nước long tong dập dềnh bước trên triền cát thoai thoải, chúng tôi không khỏi xúc động…
Vừa cầm những đồng tiền còn ướt nước, chị Hậu vừa nở nụ cười mãn nguyện. Chị bảo, mấy bữa nay đi biển được nhiều, thu nhập của vợ chồng cũng khá nên có chút dành dụm vì sắp tới phải đóng học phí cho mấy đứa con. Nếu dư dả, sẽ mua thêm một cái xe đạp để tụi nhỏ đi học, chứ bây giờ 3 chị em mới có một cái xe.
Theo quan niệm của ngư dân, chỉ đàn ông mới được lên thuyền đi biển, phụ nữ ở nhà chăm sóc con cái hoặc làm những việc ở cảng mà thôi. Thế nhưng ngày nay, do nhiều nguyên nhân mà nhiều phụ nữ đã bước lên thuyền làm những công việc nặng nhọc như người đàn ông. Và không ít thân phận chân yếu tay mềm đã chịu đầy nguy hiểm, gian truân giữa sóng nước. Với kinh nghiệm gần chục năm đi biển, chị Từ, 43 tuổi, ở xã Phước Tỉnh (Long Điền) tâm sự: “Cách đây 6 năm, chồng tôi bị tai nạn trên biển trong một chuyến lặn gỡ đụt lưới, tuy không mất mạng nhưng anh ấy phải cưa mất một chân nên giờ không làm được việc nặng nhọc. Ở nhà, chẳng biết làm gì nên tôi đành phải tiếp tục công việc của chồng, cùng đứa con trai lái thuyền đi biển. Không nói thì ai cũng hình dung ra sự nguy hiểm và vất vả của hai mẹ con những đêm giăng lưới, nhưng riết rồi cũng quen. Với lại, cứ ở nhà thì biết lấy gì mà ăn, mà nuôi con”.
Giữa tiếng sóng, bên những gánh cá màu bạc lấp lánh, những người phụ nữ ấy vẫn cần mẫn với công việc của mình. Họ có lẽ chính là hình ảnh đẹp nhất về người phụ nữ và đức tính hy sinh, dù tôi biết, họ chẳng bao giờ trang điểm cho bản thân bởi đơn giản, vẻ đẹp của họ chính là nét đẹp tâm hồn, ẩn sau những lam lũ đời thường cơm áo