Được mùa được giá
Làng bè Chà Và xã Long Sơn được chia làm 8 phân khu và có khoảng 195 hộ nuôi trồng trên diện tích gần 200 mặt nước với tổng số gần 5.600 lồng, chủ yếu là các loại cá bớp, chim trắng vây vàng, chẽm, mú lai và tôm hùm. Vài ba năm trở về trước, cái tên làng bè Chà Và xã Long Sơn xuất hiện khá nhiều trên các trang mạng cũng như các mặt báo, sự nổi tiếng đó đến từ những vụ xả thải, từ những đợt thiên tai mưa bão khiến thủy sản nuôi lồng chết hàng loạt, đẩy ngư dân vào tình cảnh nợ nần điêu đứng.
Nhưng giờ đây, với sự nỗ lực của nhiều ngành chức năng, môi trường nuôi cá lồng bè cơ bản đã được cải thiện, tình trạng dịch bệnh được kiểm soát nên lượng tôm cá nuôi lồng bị chết đã giảm hẳn. Đặc biệt, giá nhiều loại cá nuôi lồng bè tăng mạnh khiến bà con hết sức hồ hởi. Đến làng bè Chà Và giờ đây không còn khung cảnh đìu hiu như những năm trước, thay vào đó là tiếng máy nổ từ những chiếc ghe chở đầy tôm cá đang tấp nập cập bến để giao hàng cho khách. Xen lẫn vào những âm thanh đó là tiếng chủ hàng báo khối lượng từng thùng cá đang được những người làm công thoăn thoắt chuyển lên những chiếc xe đông lạnh, tiếng bàn tán rôm rả của cánh đàn ông chủ bè về dự định sắm sửa ô tô vận chuyển hàng hóa…
Hiện tại, giá cá bớp loại 1 (5-7kg/con) đang được thương lái thu mua với giá 190.000 - 210.000 đồng/kg, loại 2 (3kg đến dưới 5kg/con) có giá 170.000 - 185.000 đồng/kg (so với năm ngoái, loại cá này đã tăng 70.000 - 80.000 đồng/kg). Còn với cá chim, nếu cuối năm ngoái chỉ 110.000 - 130.000 đồng/kg, thì nay đã lên tới 160.000 -170.000 đồng/kg (tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg). Nhiều loại như cá mú lai, cá chẽm cũng tăng giá 20.000 - 30.000 đồng/kg. Theo các hộ dân, giá cá năm nay đã tăng gần gấp 2 lần so với mức giá trung bình của năm 2017.
Ngư dân Nguyễn Văn Nam, chủ của hơn 60 lồng nuôi cá chim, cá mú lai và tôm sú, không giấu được sự vui mừng vì với hơn chục ngàn con cá chim trắng vây vàng nuôi từ đầu năm, ông vừa thu về gần 200 triệu đồng để trang trải chi phí, đồng thời tiếp tục đầu tư cho lứa cá mới để bán dịp cuối năm.
Còn ngư dân Lê Văn Thuận, một trong những ngư dân bị thiệt hại nặng trong nhiều đợt cá chết của các năm trước, chia sẻ: “Có những lúc mình muốn bỏ bè lên bờ chạy xe ôm, làm thuê như một số người khác, nhưng rồi nghĩ về số nợ, nếu đi làm thuê biết bao giờ mới trả được, vậy nên cũng ráng ráng kiên trì xem đến đâu. Rất may đợt rồi tình hình tôm cá cũng ổn nên nợ nần cũng đỡ chút xíu”.
Mới đây, ông Thuận đã thả thêm vào 42 chiếc lồng với hơn 20.000 con cá chim cùng hàng ngàn con cá rìa, chẽm và cá mú, với kỳ vọng sẽ cho một mùa thắng lợi lớn.
Theo các ngư dân, nguyên nhân khiến cá nuôi lồng bè tăng vọt vì nguồn cung ra thị trường không nhiều, trong nhu cầu tiêu thụ lại tăng khá mạnh. Đặc biệt, giống cá bớp rất được người dân ưa chuộng vì thịt thơm ngon giàu dinh dưỡng, nhưng đây là giống cá khá “khó tính” nên việc nuôi dễ gặp rủi ro, đòi hỏi ngư dân phải có kỹ thuật cao. Ngoài ra, sản lượng nuôi trồng cũng ở mức độ vừa phải, đảm bảo nguồn cung cho các đầu mối truyền thống.
Hỗ trợ kênh phân phối đầu ra
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 7 tháng đầu năm 2018, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 10.163 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi đạt hơn 5.370 tấn, tương đương với cùng kỳ. Riêng cá nuôi lồng bè mỗi năm tỉnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1.400 tấn cá có giá trị kinh tế cao và làng bè Chà Và nơi cung cấp chủ yếu mặt hàng này.
Ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hàng tháng chi cục đều lấy mẫu nước xét nghiệm để giám sát, có hướng dẫn và cảnh báo kịp thời cho bà con ngư dân. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh đang khẩn trương thực hiện sắp xếp quy hoạch lại khu vực nuôi trồng trên các sông, nhằm ổn định sản xuất và hướng đến phát triển bền vững.
Được xem như một “mỏ vàng” của nghề nuôi cá biển, nhưng để tạo sinh kế lâu dài cho người dân xã đảo, làng cá bè Chà Và cần cấp bách giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại như: mật độ nuôi trồng quá dày đặc, môi trường nước vẫn bị đe dọa bởi việc nuôi hàu bằng fibro xi măng và lốp xe gắn máy, chất thải sinh hoạt của người dân trên sông chưa được thu gom và xử lý… là những vấn đề cần được xử lý kịp thời nhằm đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản ở nơi ổn định về lâu về dài.
Ngoài ra, người dân cần được hỗ trợ thêm về kênh phân phối đầu ra tại các siêu thị và các chợ đầu mối, các nhà hàng, để cá lồng bè có thể vươn xa hơn, đến với người tiêu dùng.