Theo Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi Cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay, không chỉ nghề nuôi tôm thịt mà kể cả sản xuất tôm giống đang phải đối mặt với những thách thức mới mang đậm yếu tố thị trường. Điều này cho thấy đã đến lúc cần tìm hướng đi mới cho nghề NTTS tỉnh nhà, cụ thể là nghề nuôi tôm thịt và sản xuất tôm giống.
Theo kế hoạch năm nay, toàn tỉnh thả nuôi tôm với diện tích 1.266ha, thu hoạch 8.350 tấn tôm thương phẩm và sản xuất 24 tỷ con tôm giống (5 tỷ tôm sú giống và 19 tỷ tôm thẻ chân trắng). Tính đến đầu tháng 10, đã có tổng diện tích khoảng 700ha thả nuôi tôm thịt (gồm cả 121ha năm 2014 chưa thu hoạch chuyển sang), trong đó có 650ha tôm thẻ chân trắng và 50ha tôm sú; qua thu hoạch đã cho sản lượng 4.750 tấn (50 tấn tôm sú và 4.700 tấn tôm thẻ chân trắng). Như vậy về quy mô sản xuất, diện tích thả nuôi mới đạt 55% kế hoạch năm và bằng 72% so với cùng kỳ; việc thu hoạch tôm thương phẩm cũng chỉ mới đạt 55,9% kế hoạch năm và chỉ bằng 72,7% so với cùng thời điểm năm ngoái. Điều đáng nói là hiện tại đã vào cuối vụ nuôi tôm thương phẩm, chuẩn bị bước vào mùa mưa gió nên tình hình thả nuôi mới chững lại, vì vậy có khả năng đến cuối năm diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch sẽ không đạt như kế hoạch đề ra.
Anh Nguyễn Văn Vinh, thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, Thuận Nam), có 10ha đìa nuôi tôm thẻ chân trắng, chia sẻ: Nhờ có tiềm lực sẵn từ năm trước nên tôi vẫn thả nuôi hết diện tích, nhưng do đầu ra khó khăn nên hầu hết người nuôi tôm trong vùng sợ thua lỗ, không dám đầu tư thả nuôi. Theo Chi cục NTTS tỉnh, đầu năm nay, giá bán tôm thương phẩm bắt đầu giảm thấp, trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, giá có nhích lên nhưng không nhiều (dao động từ 100.000 - 105.000 đồng/kg loại 100 con/kg). Hiện tại, giá của loại tôm trên chỉ còn 90.000 đồng/kg và đang có dấu hiệu tiếp tục giảm. Như quy luật tất yếu, tôm thịt không thả nuôi dẫn đến nhu cầu tôm giống cũng thấp theo. Với 430 cơ sở sản xuất giống thủy sản, tỉnh ta là trung tâm lớn cung cấp giống tôm trong tỉnh và các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ. Tuy nhiên, cũng như tại tỉnh ta, tình hình ở các tỉnh bạn cũng không mấy sáng sủa, diện tích thả nuôi tôm thương phẩm giảm nên nhu cầu tôm giống giảm theo. Cho đến hết tháng 9, toàn tỉnh ta mới sản xuất được 15,2 tỷ con tôm giống (3,2 tỷ tôm sú giống và 12 tỷ tôm thẻ giống), tức chỉ đạt 60,8% kế hoạch năm. Với nhu cầu tôm giống giảm dần, dự kiến đến cuối năm, sản lượng tôm giống tỉnh ta cũng khó đạt theo kế hoạch.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ nuôi tôm thịt khẳng định không phải do tác động từ yếu tố thời tiết nắng nóng làm giảm quy mô, diện tích sản xuất, mà nguyên nhân chính là do khó khăn từ đầu ra tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, theo Chi cục NTTS tỉnh, các nước có nghề nuôi tôm thương phẩm như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan… đều trúng tôm, đạt sản lượng cao nhưng giá bán lại thấp hơn nước ta, chỉ vào khoảng 65.000 đồng/kg (loại 100 con), nên các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thay vì mua tôm trong nước với giá cao đã nhập tôm từ các nước trên về chế biến. Lý giải về giá tôm, Thạc sĩ Phan Đình Thịnh nói: Tôm nuôi ở tỉnh ta có giá thành sản xuất 80.000 đồng/kg (loại 100 con), nên nếu bán với giá thấp hơn 90.000 đồng/kg, người nuôi sẽ lỗ hoặc hòa vốn. Các tỉnh miền Tây có tiến bộ hơn với giá thành 65.000 đồng/kg tôm (loại 100 con) nhưng vẫn không cạnh tranh nổi tôm các nước về giá và chất lượng.
Trước yếu tố thị trường ngày càng đóng vai trò tác động lớn, có thể thấy cần phải tái cơ cấu ngành NTTS tỉnh nhà phù hợp theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng tính cạnh tranh sản phẩm cả về giá bán và chất lượng. Giải pháp quan trọng hàng đầu là các ngành chức năng cần hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng vùng nuôi hiện đại và định hướng nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mang tính đột phá. Đối với các hộ nuôi tôm thịt và cơ sở sản xuất tôm giống, cần phải chủ động vươn lên, thật sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới.