Trước thông tin nuôi cá rô phi bằng thuốc trừ sâu, phân heo, gà, thậm chí trên vùng đất nhiễm dioxin…, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Hội Luật gia Việt Nam nhờ can thiệp. TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc ICAFIS, cho biết: “Chúng tôi gửi công văn đề nghị những cơ quan này sớm xác minh nguồn thông tin không chính xác và ngăn chặn kịp thời những hành vi gây rối an ninh - kinh tế đất nước, sinh kế người dân”.
Cuối tháng 8, trên mạng internet xuất hiện bài viết được dịch từ nước ngoài, với tựa đề “Hãy ngừng ăn cá rô phi ngay lập tức sau khi bạn đọc bài viết này”. Trong đó, bài viết nêu các lý do nên dừng ăn cá rô phi, như: “Trong thực tế, môi trường sống tự nhiên của nó là trang trại nuôi cá ở Trung Quốc, nơi thực phẩm tự nhiên như tảo và cây cỏ được thay thế bằng đậu nành biến đổi gien, ngô và vô số các loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là thuốc trừ sâu. Cá rô phi nuôi công nghiệp trong các nông trại chứa hàm lượng dioxin cao hơn 11 lần so với cá rô phi tự nhiên. Dioxin không chỉ gây độc hại cho cơ thể bạn mà thậm chí nó còn có thể kích hoạt sự phát triển bệnh ung thư…”.
Hàng loạt website đã đăng lại bài viết này. Qua thống kê của trang tìm kiếm Google, có khoảng 100.000 lượt đăng tin và đẩy tin liên quan đến bài viết này. TS Lựu khẳng định: “Thông tin này hoàn toàn sai sự thật, thiếu căn cứ và luận chứng khoa học, địa điểm và bằng chứng cũng không rõ ràng, gây hoang mang cho cộng đồng người tiêu dùng, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng chục ngàn dân nuôi cá rô phi tại Việt Nam”.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2014, tổng sản lượng nuôi cá rô phi của cả nước đạt gần 152.000 tấn. Trong đó, vùng ĐBSCL có khoảng 55.000 tấn. Trong năm 2015, sản phẩm cá rô phi của Việt Nam đã xuất khẩu trên 60 quốc gia, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 27 triệu USD, chỉ đứng sau tôm và cá tra. “Nghề nuôi cá rô phi hiện đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 50.000 lao động trên khắp các vùng, miền. Thị trường cá rô phi Việt Nam trên thế giới rất lớn, đặc biệt là Bắc Mỹ và EU. Năm 2014, Mỹ là nước nhập khẩu cá rô phi hàng đầu (chiếm 21,23%; đạt 5,807 triệu USD), trong lúc Tây Ban Nha chỉ đạt 3,7 triệu USD, Colombia đạt hơn 3 triệu USD” - TS Lựu thông tin.
Ngày 6-5, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến 2030. Mục tiêu là quy hoạch nuôi cá rô phi trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững với sản phẩm đa dạng, giá trị cao để đáp ứng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ trong nước… Chính vì vậy, TS Lựu cho rằng những thông tin thiếu kiểm chứng như trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến giá cả cũng như tâm lý của người tiêu dùng.
Thời gian qua, nhiều loại nông sản ở ĐBSCL cũng “dính” những tin đồn vô căn cứ, như: ăn bắp của các tỉnh vùng ĐBSCL trồng bị ung thư do chứa kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật; ăn chuối, ăn bưởi có nguy cơ bị ung thư… Những tin đồn này kéo dài khiến giá cả nông sản rớt mạnh.
Thương lái có cớ ép giá
Theo một lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, dựa vào những tin đồn này, thương lái có điều kiện ép giá, nông dân thiệt đủ đường.
“Khi có tin đồn thất thiệt, cơ quan công an ở địa phương cần vào cuộc ngay để làm rõ. Nếu không đúng như tin lan truyền thì cần có công văn gửi về các xã nói rõ đây chỉ là tin đồn thất thiệt để tuyên truyền cho người dân biết” - vị này nói.