Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt nhằm tăng thu nhập đã được nông dân huyện Vĩnh Lợi áp dụng rộng rãi. Tùy theo điều kiện đất đai, môi trường nước và nguồn vốn, nông dân đã chọn nuôi nhiều đối tượng khác nhau, song, hiệu quả kinh tế chưa cao. Ở xã Châu Hưng A, nhiều nông dân đã áp dụng, thực hiện nhiều mô hình sản xuất như mô hình nuôi tôm, trồng cây ăn trái… nhưng cũng không đạt hiệu quả.
Đầu năm 2012, Sở KH-CN phối hợp với trường Đại học Cần Thơ xây dựng mô hình nuôi cá sặc rằn. Tham gia mô hình này, nông dân được các kỹ sư hướng dẫn toàn bộ quy trình từ việc cải tạo ao đầm, cách chọn cá giống bố mẹ, cách ép đẻ, chăm sóc cá bột, cá giống và kỹ thuật nuôi cá sặc rằn thương phẩm. Có 10 hộ dân ở 5 ấp (Trà Ban I, Hà Đức, Nhà Dài A, Nhà Dài B và Thạnh Long) được chọn thực hiện mô hình. Anh Đoàn Văn Dũng, cán bộ nông nghiệp xã Châu Hưng A, cho biết: “Sau khi được đầu tư mô hình nuôi cá sặc rằn, xã đã chọn các hộ có đủ điều kiện về đất đai, ao đầm và khả năng đầu tư. Vì dự án chỉ đầu tư 50%, còn 50% cho các hộ dân phải tự bỏ ra. Nếu mô hình đạt hiệu quả sẽ được nhân rộng”.
Được chọn làm điểm để triển khai trình diễn mô hình nuôi cá sặc rằn, anh Nguyễn Văn Tiến và anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp Thạnh Long) đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách cải tạo ao và chọn cá bố mẹ cho đẻ, cách chăm sóc cá bột, cá giống. Đồng thời mỗi hộ được đầu tư hơn 16 triệu đồng/ao cá. Hiện cá sặc rằn do anh Tiến và anh Tuấn nuôi phát triển rất tốt - khoảng 20 con/kg.
Còn ông Nguyễn Hòa Quân (ấp Nhà Dài A) thả nuôi 16.000 con cá sặc giống trên diện tích 800m2. Nhờ chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật nên cá cũng phát triển rất tốt và đều con. Hiện nay, cá nuôi được 5 tháng, trọng lượng đạt khoảng 20 con/kg. Ông Quân cho biết: “Khoảng 2 tháng nữa tôi sẽ thu hoạch. Dự tính sẽ thu được 2 tấn cá. Với giá 50.000 đồng/kg, trừ chi phí dự án và gia đình đầu tư, tôi lãi khoảng 50 triệu đồng”.
Mô hình nuôi cá sặc rằn đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân xã Châu Hưng A. Đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, có thể nhân rộng để phá thế độc canh cây lúa ở những xã nghèo. Tuy nhiên, điều mà nông dân quan tâm nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, ngành chức năng cần giúp nông dân trong việc giới thiệu để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Có như thế, mô hình mới tồn tại lâu dài và bền vững.