"Mót" từng thúng cát xốp để nuôi ngao
Anh Lê Văn Lai, thôn 4, xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái đã đầu tư hơn 200 triệu vào giống ngao giá đang chờ thả nóng lòng cho biết, đến thời điểm này lứa ngao giống của gia đình đã để quá tuổi gần 2 tháng, kích thước mỗi con gần 3cm, to quá đầu ngón tay rồi.
Phải dùng cát biển địa phương để làm vì giờ giống lớn rồi thì đành phải vậy thôi. Cát này thì chống cháy chứ làm sao bằng dùng cát xốp được. Như mọi năm thì nguồn cát xốp lậu bên ngoài dễ lấy chứ năm nay thì khó khăn lắm không có cát xốp để làm. Muốn lấy cát xốp phải có quan hệ họ mới đổ cho”, anh Lai lo lắng nói.
Giống đã quá tuổi nhưng không có cát xốp để thả.
Còn ông Đặng Văn Tân, người dân nuôi ngao 2 cùi ở xã Vĩnh Trung cho biết, bây giờ nuôi ngao khó khăn nhất là vấn đề cát xốp. Cát đúng chủng loại phục vụ cho con giống này phát triển là rất hiếm, hầu như không có. Nhà nào có quan hệ mới lấy được mấy tàu cát lậu. Nên vấn đề mưu sinh của bà con ở xã đảo Vĩnh Thực là rất khó khăn.
Hiện nay nguyện vọng của bà con ngư dân ở đây là có một nguồn cát chính đáng để phục vụ cho bà con mưu sinh. Bà con chúng tôi cũng đã phản ánh địa phương. Nhưng mức độ quan tâm, tạo điều kiện với bà con ngư dân là rất hạn chế.
Được biết, phong trào nuôi ngao giá phát triển mạnh tại 2 xã đảo Vĩnh Trung và Vĩnh Thực, TP.Móng Cái khoảng 2 năm trở lại đây. Đây là đối tượng dễ nuôi, thường thả chung khu vực nuôi với các loài nhuyễn thể khác, thời gian sinh trưởng từ 9 tháng đến 1 năm, sức sống tốt, đến giờ chưa phát sinh dịch bệnh; trong quá trình nuôi không phải cho ăn (thức ăn của ngao là phù du, tảo biển), đầu ra rộng mở và giá thu mua tương đối ổn định (50.000 -70.000 đồng/kg) nên giá trị và lợi nhuận mang lại tương đối cao.
Nhiều hộ dân lấy được cát xốp lậu đang trang thủ thả cho kịp vụ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Văn Viện, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái cho biết, hiện nay việc nuôi trồng thủy sản của bà con trong xã 100% là tự phát, chưa được cấp phép vì khu vực đảo Vĩnh Thực chưa có quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản.
“Bà con thấy nhiều người làm ăn được nên cũng học theo nên không có chuẩn bị về nguồn cát. Xã chỉ có thể xác nhận hộ nuôi và vị trí nuôi chứ không thể cấp giấy tờ nào khác. Vì vậy, đơn vị cung cấp cát xốp duy nhất là Công ty Quan Minh không thể chuyển cát xốp cho người dân được. Nguồn cát xốp mà bà con đang sử dụng là cát trôi nổi do một số đối tượng đứng lên làm thôi”, ông Viện nói.
Ụ cát này được cho là cát xốp lậu.
Không mua được cát "chính ngạch", ngư dân buộc phải mua cát lậu với giá "cắt cổ" để... nuôi ngao
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chỉ có Công ty TNHH Quan Minh là được giao cung cấp cát xốp phục vụ nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh. Trong Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 28.2.2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh, về việc phê duyệt phương án thu gom, vận chuyển, cung cấp cát xốp phục vụ nuôi trồng thủy sản đã quy định rất rõ trình tự để được cung cấp cát xốp.
Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn có đơn đăng ký cung cấp cát xốp có xác nhận của UNBD xã. Đơn gửi đến Công ty Quan Minh. Sau đó, công ty này sẽ tập hợp đơn và làm việc với UBND xã để xác minh nguồn gốc, diện tích, quy mô, khối lượng cát… Tiếp đó, Công ty Quan Minh sẽ báo cáo UBND huyện Vân Đồn và Sở NN&PTNT để thống nhất cung cấp cát xốp theo mùa vụ.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người nuôi ngao ở hai xã Vĩnh Thực, Vĩnh Trung thuộc đảo Vĩnh Thực, hiện UBND xã mới chỉ xác nhận đơn cho 1 hộ, các hộ dân khác phải mua cát lậu không rõ nguồn gốc chất lượng kém với giá 300.000 đồng/m3, trong khi giá cát do Công ty Quan Minh cung cấp chỉ dưới 200.000 đồng/m3.
Vụ năm 2017 người dân đảo đã phải mua hàng nghìn m3 cát lậu, dự kiến vụ ngao năm 2018 nhu cầu cát xốp sẽ tăng gấp nhiều lần. Còn theo ông Đoàn Văn Quảng, hộ dân duy nhất được UBND xã xác nhận đơn xin mua cát xốp, mặc dù đã đủ giấy tờ nhưng việc mua cát xốp từ Công ty Quan Minh cũng gặp nhiều khó khăn. Đến giờ gia đình ông vẫn chưa mua được cát để thả giống.