Hai mô hình này có nguồn vốn đầu tư 1,7 tỷ đồng, trong đó xây dựng mô hình trình diễn tổng diện tích 1.600m2, tại 5 tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Hậu Giang, Hà Nam và Thừa Thiên - Huế. Qua 3 năm triển khai, dự án nuôi lươn theo mô hình có bùn trong bể có lót bạt hoặc bể xi-măng diện tích từ 20 - 30m2/bể đã đạt hiệu quả khá cao. 39 hộ dân tham gia mô hình trình diễn đều thành công. Với mật độ thả lươn giống khoảng 60 con/m2, trọng lượng khoảng 20g/con, sau 6 tháng thu hoạch đạt năng suất trên 11kg lươn/m2. Bình quân tỷ lệ lươn sống đạt 72,4% (tiêu chuẩn 60%). Lợi nhuận bình quân toàn dự án trên 1 tỷ đồng. Dự án đã tạo việc làm thường xuyên cho 39 hộ tham gia, cung cấp 29 tấn lươn thương phẩm cho thị trường. Thừa Thiên - Huế đã nhân rộng ra 8 mô hình vào năm 2014, nay đã lên hơn 50 mô hình và cũng đạt lợi nhuận khá cao. Bến Tre có 20 hộ tham gia dự án trình diễn mang lại hiệu quả cao hơn định mức bình quân và tự nhân giống bán cho nông dân. Các thành viên tham dự hội nghị đều đánh giá cao về tính hiệu quả của mô hình trình diễn của Trung tâm KNQG và đề nghị được phân bổ thêm vốn để có điều kiện thuận lợi hơn trong việc nhân rộng mô hình này.
Đối với dự án nuôi nghêu giống, năm 2015, Trung tâm KNQG đã triển khai trình diễn tại 5 tỉnh: Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa và Bến Tre. Trong đó, mỗi tỉnh đã thực hiện thành công 2 mô hình, từ sinh sản nhân tạo đến ương giống cấp II và 3 mô hình ương giống trực tiếp từ cấp I lên cấp II. Đối với mô hình ương giống trực tiếp từ cấp I lên cấp II, đạt hiệu quả khoảng 500 triệu đồng/mô hình; mô hình sinh sản nhân tạo đến ương giống cấp II đạt khoảng 600 triệu đồng/mô hình. So sánh với bên ngoài, mô hình đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ 20% - 30%.
Theo ông Châu Hữu Trị - Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN Bến Tre, nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm KNQG, Bến Tre đã triển khai mô hình tại huyện Ba Tri và đã đạt hiệu quả khá tốt, ngư dân địa phương đã nhân rộng mô hình từ 3 hộ nay đã lên 15 hộ. Ước tính đến thời điểm này, nghêu giống đã tăng trưởng thêm ít nhất 5 tỷ con/năm. Đặc biệt, mô hình đã cung cấp được con giống có sức chịu mặn tốt trên khu vực bãi triều.
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm KNQG đề nghị các tỉnh thực hiện nhân rộng 2 mô hình này, trong sản xuất phải hướng mạnh vào các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là áp dụng bộ tiêu chuẩn GAP, phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vì nếu thiếu yếu tố này thì thị trường tiêu thụ sẽ rất hạn hẹp và giá cả sản phẩm sẽ không thể tăng lên. Các vấn đề về môi trường cần phải được thực hiện nghiêm túc để tạo sự bền vững cho việc sản xuất trong tương lai.