Theo ghi nhận ý kiến tại một số điểm kinh doanh tôm cảnh trong nội ô TP Cần Thơ, tôm tép cảnh đã xuất hiện ở Việt Nam khá lâu, tuy nhiên, người chơi khi đó chỉ đếm trên đầu ngón tay vì nguồn cung rất hiếm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, thú chơi này phát triển khá mạnh tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Tại TP Cần Thơ, khoảng 2 năm gần đây, người chơi sinh vật cảnh mới thực sự quan tâm đến những chú tôm cảnh bé nhỏ nhiều màu sắc này. Tép cảnh đòi hỏi chăm sóc khó hơn, do vậy, hiện tại Cần Thơ người chơi chủ yếu lựa chọn tôm cảnh. Chính vì thế, nhu cầu mua bán, trao đổi tôm cảnh ngày càng tăng. Các cửa hàng, diễn đàn mạng dành cho những người muốn trao đổi, giao lưu về nuôi dưỡng, chăm sóc tôm, tép cảnh dần xuất hiện.
Anh Dũng, chủ cửa hàng chim, cá cảnh Bách Điểu, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Ninh Kiều, cho biết: Tôm cảnh là loài giáp xác dễ thích nghi với các điều kiện của môi trường, kháng bệnh tốt, dễ nuôi, nhanh lớn. Những chú tôm có nhiều màu sắc rực rỡ cho bể thủy sinh, bể cá thêm phần long lanh, sinh động. Một điểm thú vị hấp dẫn người nuôi tôm cảnh, đó là khi chăm sóc tốt và cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, màu sắc của tôm cảnh sẽ ngày càng đậm và đẹp, ngược lại sẽ mờ dần... Trên thị trường tôm cảnh rất đa dạng về chủng loại, dao động từ vài chục ngàn lên đến hàng triệu đồng/con. Hiện, tại Cần Thơ người chơi chủ yếu lựa chọn tôm cảnh thuộc dòng procam có các màu xanh dương, trắng, cam, đỏ với giá từ 20.000-80.000 đồng/con, tùy màu sắc và kích thước. Trong đó, người nuôi chuộng nhất là tôm cảnh màu cam, đỏ, tiếp đến là tôm cảnh màu xanh, lạ mắt và góp phần làm nổi bật hồ nuôi. Với những người chơi lâu, muốn phong phú thêm màu sắc lựa chọn tôm cảnh màu trắng.
So với cá, tôm cảnh dễ và đòi hỏi ít thời gian chăm sóc hơn, đó là một trong những đặc tính làm chúng ngày càng trở nên phổ biến. Anh Nguyễn Minh Huy ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: Lúc đầu gia đình chỉ nuôi một số loại cá cảnh, nhưng khi biết đến tôm cảnh, anh đã tò mò và nuôi thử. Sau một thời gian, nhận thấy tôm dễ nuôi hơn cá nên anh đã chuyển sang nuôi tôm cảnh. “Tôm cảnh rất mới lạ, có “động tác” hơn cá. Tôm không chỉ biết bơi mà còn có thể bò, trèo trên tảng đá hay cành cây… trông rất ngộ nghĩnh. Tôm con rất mau lớn, nhìn thấy thay đổi hàng ngày, chúng còn “kết bạn”, sinh con”- anh Minh Huy chia sẻ "thú vui chơi tôm" cảnh" của mình.
So với động vật thủy sinh và bán cạn khác, tôm chỉ cần điều kiện sống đơn giản. Hầu hết mọi người có thể nuôi tôm trong một bể cá bao gồm 1 bộ lọc. Nếu hồ không sử dụng bộ lọc hay sủi khí, tôm cần ít nhất 1 nơi leo trèo để tôm có thể leo lên khỏi mặt nước vì cần nhiều oxy, nên trang bị thêm một tảng đá hoặc một nhánh cây. Tôm cảnh ăn tạp, như: trùn chỉ, cá nhỏ, rong rêu...; hiện tại các điểm kinh doanh tôm cảnh có thức ăn cho tôm trên dưới 50.000 đồng/hũ, giúp người nuôi dễ dàng hơn trong việc nuôi tôm. Theo tư vấn của một số điểm kinh doanh tôm cảnh trong nội ô TP Cần Thơ, tôm cảnh là loài thích đào hang và lẫn trốn do đặc tính thích chỗ tối và săn mồi ban đêm. Với hang trú ẩn, người nuôi có thể sử dụng gạch xây dựng, ống nước nhựa PVC cắt khúc nhỏ vừa với kích thước tôm, đá dùng trong bể thủy sinh xếp thành hang cho tôm, hoặc những gốc gỗ lũa thủy sinh lớn, nhà gốm... Đây cũng là nơi tôm trú ẩn trong thời gian thay vỏ. Khi tôm phát triển to ra thì đó là thời điểm tôm lột vỏ và tách biệt ra khỏi vỏ cũ thay bằng 1 vỏ mới to lớn hơn. Đây chính là là lúc tôm yếu đuối nhất, dễ tổn thương nhất cần được chú ý chăm sóc cẩn thận. Giống như các loài giáp xác khác, tôm sẽ ngừng ăn thường ít nhất là một ngày hoặc nhiều hơn trước khi lột bỏ bộ vỏ cũ. Tuy nhiên, chứng biếng ăn có thể là do những vấn đề khác, vì vậy người nuôi cũng nên kiểm tra chất lượng nước hoặc tìm hiểu các dấu hiệu bệnh tật khác. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của một số người nuôi tôm cảnh, dấu hiệu nhận biết khi tôm sắp lột là có 2 đốm trắng mờ mờ dưới lớp vỏ, nằm sau góc mắt tôm và ngay phần tiếp nối giữa cổ và đầu tôm bị hở ra là dấu hiệu tôm sắp lột.
Tôm cảnh cần một khoảng không gian riêng để “hoạt động”, do vậy, người nuôi được khuyến khích không nên nuôi nhiều tôm trong một hồ, thường khoảng 2-4 con. Nếu người nuôi muốn nuôi nhiều tôm hơn cần hồ diện tích rộng và đảm bảo đủ không gian riêng và đủ chỗ ẩn nấp cho tôm. Tuy nhiên do có quá nhiều tôm trong hồ, sẽ không thể tránh khỏi tình trạng tôm “đánh” nhau. Tôm có thể sống với một số loài cá, người nuôi cần tham vấn kỹ ở các điểm bán để tránh trường hợp tôm ăn cá hoặc cá ăn tôm. Ngoài ra, đối với nền trong hồ nuôi tôm cảnh, có thể sử dụng cát, đá, sỏi suối, nham thạch to hoặc nhuyễn. Nếu trong hồ nuôi tôm cảnh không sử dụng bộ lọc nước, cần phải thay nước ít nhất 1 lần/tuần...