Mỗi năm, ông Oanh nuôi 2 vụ cá trê (ao nuôi có diện tích hơn 2.000m2). Với số vốn đầu tư hơn 20 triệu đồng/vụ, sau 3 tháng chăm sóc, ông Oanh lãi hơn 50 triệu đồng.
Để đạt thành công như hôm nay, ông Oanh cũng đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Lúc đầu nuôi cá, ông Oanh chọn nuôi những loại cá có giá trị kinh tế cao (như cá bống tượng, cá chình) với hy vọng thu lợi nhuận cao. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn thả nuôi, cá phát sinh bệnh và chậm lớn, nên ông Oanh chỉ có thể “thu tỉa” cá và bán lẻ ở chợ để mong thu hồi vốn.
Và rồi “cái khó ló cái khôn”, cũng trong những buổi chợ đó, ông nhận ra rằng người dân quê rất ưa chuộng cá trê vàng, vả lại giá bán loại cá này khá cao. Thế là ông Oanh bắt tay cải tạo ao để nuôi cá trê vàng. Do nguồn cá giống khan hiếm, ông Oanh cùng người con trai phải cất công lên các tỉnh Đồng Tháp, An Giang... để tìm mua con giống. Sau bao khó khăn, vất vả, vụ cá trê vàng đầu tiên cho ông lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. Và từ đó đến nay, nguồn thu nhập chính của gia đình ông Oanh là nhờ vào ao cá trê.
Ông Nguyễn Văn Oanh tâm sự: “Nếu chỉ trông mong vào cây lúa thì kinh tế gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc. Do vậy, dù khó khăn đến mấy tôi cũng quyết tâm tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống".
Theo ông Oanh, cá trê vàng là một đối tượng nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, vùng đất địa phương. Nuôi cá trê vàng ít tốn công chăm sóc so với nuôi các loại cá thương phẩm khác. Người nuôi chỉ cần đảm bảo nguồn nước là cá phát triển tốt. Các loại bệnh mà cá trê vàng thường mắc phải là lở thân thì đã có thuốc điều trị.
Nhờ sự cần cù, không ngại khó khăn, đến nay gia đình ông Oanh đã có cuộc sống đầy đủ hơn trước. Từ ý chí và sự quyết tâm đổi đời của ông Nguyễn Văn Oanh cho thấy, nếu nhạy bén nắm bắt nhu cầu của thị trường và mạnh dạn áp dụng những mô hình sản xuất mới vào sản xuất thì sẽ đi đến thành công.