Nội dung nghiên cứu ở tỉnh điển hình
Báo cáo của Sở NN&MT tỉnh Sóc Trăng, năm 2024, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh 51.069 ha (tôm thẻ chân trắng 38.819 ha, tôm sú 12.250 ha), sản lượng 204.371 tấn (tôm thẻ chân trắng 184.076 tấn, tôm sú 20.295 tấn), kim ngạch xuất khẩu 910 triệu USD. Trong 3 tỉnh hàng đầu nuôi tôm nước lợ là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng thì tỉnh Sóc Trăng có tỷ lệ nuôi thâm canh và bán thâm canh cao nhất, chiếm khoảng 95% diện tích. Nuôi tôm ở Sóc Trăng cơ bản vẫn nhỏ lẻ nên vấn đề rác thải nhựa cũng khá điển hình.
Tổ chức GIZ triển khai nghiên cứu ở tỉnh Sóc Trăng với mục tiêu, tìm giải pháp giảm thải rác nhựa gây hại môi trường. Cụ thể nghiên cứu 5 nội dung. 1/Tổng quan về ngành nuôi tôm và lập sơ đồ chuỗi giá trị nhựa. 2/Phân tích các luồng chất thải nhựa, việc quản lý chất thải và các con đường thải ra môi trường. 3/Các biện pháp thực hành tốt nhất và công nghệ tái chế. 4/Xác định rào cản đối với việc áp dụng các biện pháp 3R và quản lý rác thải nhựa bền vững. 5/Khuyến nghị thực hiện 3R và quản lý rác thải bền vững tại các trại nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng.
Dòng rác thải nhựa trong nuôi tôm
Nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Sóc Trăng có nhựa sử dụng một lần và sử dụng nhiều lần.
Nhựa sử dụng một lần một năm khoảng 5.324 tấn (với tôm thẻ chân trắng 4.822 tấn, chiếm 91% và tôm sú 502 tấn, chiếm 9%); phần lớn là nhựa làm bao thức ăn, hộp EPS với 4.225 tấn. Việc xử lý chủ yếu do chuỗi phi chính thức tiến hành, thống kê được 2.376 tấn tái sử dụng, 2.056 tấn tái chế, 674 tấn bị đốt và 218 tấn thất thoát ra môi trường.
Còn nhựa sử dụng nhiều lần, thống kê các hộ nuôi tôm đang lưu giữ khoảng 73.260 tấn (với tôm thẻ chân trắng 66.671 tấn, chiếm 91% và tôm sú 6.589 tấn, chiếm 9%). Nghiên cứu tính được, hàng năm có 10.466 tấn phát sinh; chủ yếu là bạt lót ao 7.684 tấn, ống nhựa 1.490 tấn, nhựa lớn khác 1.280 tấn. Số lượng nhựa phát sinh hàng năm, được tái sử dụng hoặc thu gom phi chính thức, cần xem xét trong quản lý chất thải.
Tổng cộng một năm, nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng thải ra 15.790 tấn rác nhựa (5.324 tấn sử dụng một lần, 10.466 tấn sử dụng nhiều lần). Quản lý rác nhựa trong nuôi tôm hiện nay: Rác nhựa sử dụng một lần không thể tái chế/tái sử dụng được thu gom thông qua hệ thống nậu vựa, xử lý ở ngoài tỉnh; đốt tại trại nuôi, cộng đồng dân cư; thu gom bởi hệ thống rác sinh hoạt; một số được thu gom bởi các doanh nghiệp mua tôm áp dụng chứng nhận quốc tế ASC, BAP, Global GAP… Còn với rác nhựa sử dụng nhiều lần được thu gom, tái chế thông qua hệ thống nậu vựa, tái chế chủ yếu ở ngoài tỉnh.
Nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng thải ra 15.790 tấn rác nhựa
Khuyến nghị 3R
Nuôi tôm nước lợ đang sử dụng lượng nhựa rất lớn nên cần thiết tiết giảm. Gồm xây dựng thực hành tốt và tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cho vật tư nhựa đưa vào sử dụng nuôi tôm. Có giải pháp thay thế nhựa trong việc vận chuyển thức ăn bằng thùng, bể, silo, túi tái sử dụng và cần giải pháp tài chính cho việc đầu tư vật tư tốt hơn, có thể tái sử dụng. Nghiên cứu vật liệu nhựa phân hủy sinh học (hạn chế về vấn đề vi nhựa).
Chú trọng giảm thất thoát rác nhựa ra môi trường: Xây dựng kế hoạch quản lý rác nhựa trong trại nuôi, tiện ích và hệ thống thu gom, lưu giữ rác tại trại nuôi, nâng cao nhận thức/tập huấn cho nhân viên trại nuôi. Xây dựng báo cáo rác nhựa tại trại và địa phương.
Thúc đẩy tái sử dụng rác nhựa có trách nhiệm: Cải thiện việc thu gom, phân loại, nơi chứa và bảo quản, quản lý rác nhựa để đưa vào tái sử dụng. Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về việc thu gom, quản lý rác nhựa tại trại nuôi.
Cải thiện năng lực và thực hiện trách nhiệm môi trường cho cơ sở tái chế, với các hỗ trợ tài chính, kiểm toán môi trường. Đồng thời, kết nối chuỗi thu gom, tái chế.
Cuối cùng, đảm bảo việc xử lý rác nhựa có trách nhiệm. Gồm nâng cấp hạ tầng hệ thống thu gom, xử lý rác nhựa. Cải thiện thực hành thu gom, quản lý rác nhựa tại trại nuôi để tối đa lượng rác nhựa được xử lý. Cải thiện hệ thống thu gom, xử lý rác tại địa phương.