Sau khi phối hợp nghiên cứu và phân tích mẫu, các chuyên gia lưỡng cư Kanto Nishikawa (ĐH Kyoto, Nhật) và Nguyễn Thiên Tạo (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) xác định đây là một loài sa giông mới.
Chi sa giông thuộc họ kỳ giông thuộc lớp lưỡng cư, được tìm thấy ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Loài sa giông mới khi trưởng thành được phát hiện tại Việt Nam có làn da thô, sần sùi như da cá sấu nên được gọi là “sa giông cá sấu”. Ngoài ra, ở đầu ngón của các chi loài sa giông này có màu da cam.
Nó được đặt tên khoa học là Tylototriton ziegleri nhằm vinh danh nhà khoa học Thomas Ziegler (làm việc tại Sở thú Cologne, Đức) - người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu các loài bò sát và lưỡng cư tại Việt Nam. Con đực có chiều dài cơ thể khoảng 5,4-6,8cm, trong khi con cái đo được tới 7,1cm.
Ấu trùng loài “sa giông cá sấu” - Ảnh: Nguyễn Thiên Tạo/mongabay.com
Mất môi trường sống, ô nhiễm xung quanh khu vực ao, hồ và vấn nạn săn lùng sa giông để nuôi làm cảnh là các mối đe dọa tới loài sa giông hiếm này.
Theo trang mongbay.com, hiện có 10 loài “sa giông cá sấu” được biết đến trên thế giới, trong đó 8 loài được đưa vào Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). 3 trong số 8 loài này được liệt kê “đe dọa tuyệt chủng”.