Kinh tế biển được xác định là động lực chính của sự tăng trưởng mới, tạo việc làm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ biển. Đây chính là chìa khóa để phát triển kinh tế biển bền vững, củng cố quốc phòng-an ninh.
Năm “mũi nhọn” kinh tế biển
Trong chiến lược 10 năm (2007 – 2017) về phát triển kinh tế biển, Quảng Ngãi đã cụ thể hóa ngành kinh tế này gồm 5 “mũi nhọn”: Phát triển kinh tế thủy sản các vùng biển, ven biển và hải đảo; giao thông vận tải biển và dịch vụ; khai thác chế biến dầu khí; du lịch biển; xây dựng KKT, các KCN tập trung và khu chế xuất ven biển, gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Với từng lĩnh vực, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách phát triển.
Về thủy sản, năm 2017, giá trị sản xuất đạt 5.486 tỷ đồng; sản lượng đánh bắt đạt hơn 191.000 tấn, với đội tàu đánh bắt lên đến 5.552 chiếc. Toàn tỉnh có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó có 5 doanh nghiệp chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, Châu Á, với giá trị xuất khẩu đạt 16 triệu USD (gấp 11 lần so với 2007).
Việc phát triển kinh tế biển ở Lý Sơn được chú trọng. Nhờ đó kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng thủy sản và dịch vụ. Đối với du lịch, từ năm 2014 trở lại đây, Lý Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Năm 2017, lượng khách ra đảo Lý Sơn đạt hơn 200.000 lượt, gấp 31 lần so năm 2007. Trong 4 tháng đầu năm 2018, thu hút gần 45.000 lượt khách ra đảo.
Hệ thống cảng biển không ngừng được đầu tư, nâng cấp, nhằm nâng cao khả năng vận tải biển. Chỉ tính riêng cảng Dung Quất, năm 2017, hàng hóa thông qua cảng này đạt 16 triệu tấn, tăng 17% so với 2010. Trong khi đó, các cảng cá, gồm: Sa Cần, Tịnh Kỳ, Cổ Lũy, Mỹ Á, Sa Huỳnh và Lý Sơn khai thác khá hiệu quả.
Đối với khai thác, chế biến dầu khí, sau 10 năm thành lập, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vận hành an toàn, hiệu quả, sản lượng đạt hơn 48 triệu tấn xăng, dầu các loại, nộp ngân sách hơn 6 tỷ USD.
Đầu tư chưa tương xứng
Việc đầu tư hạ tầng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá dù được quan tâm, nhưng do nguồn lực còn hạn chế nên kết quả đạt được chưa như mong muốn. Cả tỉnh hiện có 3 trại sản xuất tôm giống được Nhà nước đầu tư từ 13 năm trước, hiện đã xuống cấp, các hạng mục không còn phù hợp với quy trình sản xuất hiện nay. Hiện tại, 3 khu neo đậu tránh trú bão tàu cá là Tịnh Hòa, Mỹ Á, Lý Sơn đầu tư từ ngân sách và vốn ODA; 3 cảng cá gồm: Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ, sông Trà Bồng bước đầu đưa vào khai thác đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu.
Hoạt động du lịch, vận tải biển tuy có bước phát triển, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Hạ tầng lĩnh vực này chưa được quan tâm, việc phát triển chủ yếu vẫn chạy theo số lượng, chưa chú trọng chất lượng. Môi trường vùng ven biển và đảo Lý Sơn còn nhiều bất cập; việc chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển chưa tốt. Tình trạng ngư dân sử dụng thuốc nổ trong khai thác, đánh bắt trái phép trên ngư trường chưa được ngăn chặn, gây hệ lụy cho phát triển thủy sản bền vững.
Nguyên nhân thu hút đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm lực phát triển kinh tế biển là do việc thực hiện các chủ trương, chính sách chưa đồng bộ, chặt chẽ. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, chưa tạo được môi trường thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào phát triển kinh tế biển, đảo.
Mới đây, Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ KH&ĐT bố trí thêm vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh ở vùng ven biển, hải đảo. Đồng thời mở rộng, phát triển ngành nghề chế biến thủy sản; các ngành nghề dịch vụ , du lịch.