Rừng phòng hộ An Ninh Đông bị triệt hạ để nuôi tôm.
Tỉnh Phú Yên đã tiêu tốn hàng tỉ đồng để trồng rừng phi lao cải tạo môi trường, phòng hộ cho vùng ven biển để bảo vệ mùa màng và cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trước những tác động rất lớn do vùng bãi ngang. Vậy nhưng, từ năm 2007 đến nay những rừng phi lao ven biển xã An Ninh Đông, Tuy An dần bị “nuốt chửng”, chỉ còn khoảng 10% và thay thế bởi các hồ nuôi tôm. Trong số những đối tượng vi phạm có cả cán bộ chủ chốt của huyện Tuy An và xã An Ninh Đông. Chính việc làm sai trái của cán bộ đảng viên đã tiếp tay cho việc phá rừng của hàng chục hộ dân khác.
“Xẻ thịt” rừng phòng hộ ven biển
Thôn Phú Sơn, xã An Ninh Đông được biết đến là nơi có triều cường xâm thực mạnh nhất. Nơi đây chịu tác động của sóng biển và xâm thực của cửa sông Bình Bá, huyện Tuy An. Để bảo vệ làng mạc, hơn 20 năm trước, các dải cát ở đây đã được triển khai trồng rừng phòng hộ để giữ đất, chống xâm thực.
Thế nhưng những cánh rừng phi lao hơn 20 năm tuổi ở vùng biển có đường kính từ 20-30cm hiện đang bị triệt hạ nham nhở; nhiều vạt rừng chỉ còn trơ gốc, chết khô; nhiều cây phi lao bị đào gốc để làm cây cảnh.
Tình trạng tàn phá nặng nề nhất là từ cuối năm 2011 đến nay. Khu rừng phòng hộ (RPH) nằm sát biển kéo dài từ thôn Phú Lương đến thôn Phú Sơn (xã An Ninh Đông) bị san ủi, xới tung để đào đắp hàng chục ao hồ nuôi tôm. Hàng ngàn cây phi lao bị chặt đoạn để đóng cừ, cọc, làm hàng rào bảo vệ hồ tôm.
Theo ông Nguyễn Kim Long, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông cho biết: Xã quản lý không xuể, người dân lợi dụng những ngày nghỉ cuối tuần, ban trưa và cả ban đêm để chặt phá rừng, chiếm đất san ủi hồ tôm. Thậm chí có 72,4ha RPH được UBND xã giao cho 130 hộ dân quản lý cũng bị chặt sạch. Trong tổng số 303ha RPH ven biển An Ninh Đông hiện chỉ còn chưa tới 10%.
Qua kiểm tra thực địa ban đầu của Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tuy An, hiện có 52 trường hợp lấn chiếm đất đai, phá rừng để làm hồ tôm với diện tích lên đến 66.908m2. Trong đó, có đến 31.456m2 hồ nổi đã đào đất rừng sâu 2-3m nên khó có thể khôi phục trở lại. Mất trắng RPH ven biển đồng nghĩa với việc mất “lá phổi xanh”, điều hòa khí hậu cho vùng đất cát nằm chơi vơi trước biển và mất khả năng chắn cát, gió bão và triều cường xâm thực.
Cán bộ, đảng viên sai trước, làng nước sai theo
Sở dĩ tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép diễn ra tại khu rừng phòng hộ An Ninh Đông diễn biến phức tạp là có sự “vào cuộc chiếm đất” của 8 cán bộ, đảng viên của huyện Tuy An và xã An Ninh Đông.
Theo ông Nguyễn Trung Chánh, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông, ngoài 3 cán bộ, đảng viên ở xã tham gia vào việc lấn chiếm đất rừng nuôi tôm là ông Huỳnh Văn Trung- trưởng công an xã An Ninh Đông, Nguyễn Nhất Ngôn- Cán bộ kế toán ngân sách xã và Nguyễn Mạnh cán bộ thương binh xã hội và 3 đảng viên khác ở các thôn còn có gia đình của ông Vũ Ngọc Khoa (Huyện ủy viên, Trưởng phòng tài chính huyện Tuy An) và ông Nguyễn Tấn Sanh (Thường vụ huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy Tuy An) đã phá RPH, lấn chiếm đất san ủi hồ tôm. Trong đó gia đình ông Sanh lấn chiếm diện tích 175m2 và bà Lê Thị Ninh – vợ ông Vũ Ngọc Khoa, chiếm đất RPH đào hồ tôm với diện tích lớn 1.044m2.
Ngày 3/2, Chủ tịch UBND huyện Tuy An Lê Hoàng Sang cũng đã chủ trì cuộc họp và chỉ đạo UBND xã này lập biên bản vi phạm hành chính về đất đai đối với các đối tượng vi phạm, ra quyết định xử phạt bằng tiền và yêu cầu tự tháo dỡ, khôi phục trả lại hiện trạng RPH ban đầu. Thế nhưng, đến nay hầu hết các đối tượng vi phạm vẫn chưa thực hiện.
Đáng nói hơn là sau khi có khiếu kiện của nhân dân về việc phá rừng nuôi tôm tại An Ninh Đông, Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông đã ra Quyết định số 17/QĐ ngày 23/2 về việc thành lập tổ kiểm tra để xử lý vi phạm. Và trong danh sách 20 thành viên tổ kiểm tra này có tên ông Huỳnh Văn Trung, trưởng công an xã, là cán bộ có sai phạm chiếm đất rừng trái phép.
Việc cán bộ lấn chiếm đất rừng nuôi tôm đi kiểm tra xử lý vi phạm hộ khác đã khiến nhân dân không đồng tình. Ngoài ra khi vụ việc bị phát hiện, UBND xã An Ninh Đông đã đề nghị 3 cán bộ liên quan viết kiểm điểm và đã tiến hành họp kiểm điểm các cán bộ, đảng viên vi phạm và hình thức xử lý là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Chính cán bộ không xử lý nghiêm đã khiến cho nhân dân tiếp tục phá rừng.
Ông Trần Mạnh Trí, Bí thư huyện ủy Tuy An khẳng định: Để xảy ra tình trạng phá RPH ven biển nghiêm trọng như vậy là trách nhiệm thiếu sót trong quản lý của chính quyền địa phương. Thường vụ huyện ủy Tuy An đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm là cán bộ, đảng viên để làm gương. Huyện ủy yêu cầu UBND huyện báo cáo kết quả xử lý trong cuộc họp vào ngày 15/3 sắp tới./.