Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, trú tại tổ 2 phường Cửa Đại, rong biển đã có hơn nửa tháng nay nhưng ít người biết vì đây là lần đầu tiên rong biển xuất hiện tại bờ biển Cửa Đại. “Hồi đó đến giờ rong biển chỉ có ở ngoài Cù Lao Chàm thôi nhưng năm này lại mọc ở đây chắc là do có bờ kè mới xây dựng nên rong bám vào”, bà Mỹ phỏng đoán. Mỗi sáng bà cùng mấy người trong xóm lại mang rổ ra bờ kè cạo rong về nấu những món ăn thông thường như canh, trộn, nấu chè… còn dư thì phơi khô để dành hoặc đem ra chợ bán. Bà Mỹ cho rằng, rong biển là món ăn bổ dưỡng, dễ chế biến, có thể nấu được nhiều món ăn từ cầu kỳ đến đơn giản kể cả ăn với mỳ tôm cũng ngon. “Trước khi nấu phải ngâm trong nước cho rả muối và cát bám sau đó nhặt rác, tạp chất ra là có thể nấu ăn ngay được” - bà Mỹ nói.
Cách đó không xa, anh Đỗ Văn Nhựt, người cùng phường Cửa Đại với bà Mỹ cũng đang lúi húi cạo rong với người em của mình. Anh Nhựt cho biết, thấy rong mọc xanh mướt, ham quá nên cũng ra cạo về ăn, tuy vậy để cạo được cũng không hề đơn giản vì rong bám sát vào bờ kè phải dùng mảnh thép mỏng mới cạo ra được, chưa kể rong có độ nhày nên rất trơn không cẩn thận rất dễ bị té ngã. “Vừa làm vừa cảnh giác, sơ sẩy là té bật ngược liền” - anh Nhựt cảnh báo. Theo anh, rong biển không phải khi nào cũng có nên phải tranh thủ cạo vì khi nước rút, nắng lên rong sẽ bị khô héo lúc đó thì không thể cạo được. Từ sáng đến trưa anh cạo được gần một bao ni lông lớn, nếu phơi khô ước chừng một ký, mang ra chợ bán được khoảng ba trăm đến năm trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, do rong tại bờ kè không nhiều nên gia đình anh cạo được chủ yếu dùng để ăn trong ngày, ăn không hết mới bán.
Các nghiên cứu cho thấy, rong biển có chứa một lượng lớn các chất khoáng tương tự những chất khoáng trong máu của con người và dồi dào các chất iốt, vitamin K, vitamin B2, axit pantotenic, magiê, sắt, canxi. Đặc biệt, chất fertile clement - có tác dụng điều tiết máu lưu thông, tiêu độc, loại bỏ các cặn bã trong cơ thể. Chính vì lẽ đó mà phụ nữ có thai và trẻ em được khuyến khích ăn các thực phẩm làm từ rong biển. Tuy nhiên, do đặc tính của rong biển là tanh nên khi nấu ngoài ngâm nước muối thì việc ướp thêm gia vị hoặc nấu chung với những thực phẩm có thể át được mùi tanh là cần thiết.
Dù không nhiều nhưng việc rong biển xuất hiện tại bờ kè biển Cửa Đại sau khi những cơn bão lũ đi qua được người dân nơi đây ví như là quà của biển “bù đắp” cho những vất vả của người dân Cửa Đại./.