Theo đó, đối với tôm thẻ chân trắng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo thời gian bắt đầu thả giống chính vụ từ tháng 3 - 8, tôm vụ Đông từ giữa tháng 9 - 10; tôm sú: Thả giống từ tháng 4 - 6. Riêng đối với cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, có cơ sở hạ tầng đảm bảo, không chịu ảnh hưởng của thời tiết, chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm.
Nhằm hạn chế sự phát sinh dịch bệnh đốm trắng và một số bệnh nguy hiểm mới, Sở cũng khuyến cáo các hộ nuôi cần làm tốt công tác chuẩn bị ao hồ; cơ sở nuôi tôm có ao chứa/lắng tối thiểu chiếu 15% tổng diện tích ao nuôi, ao cần phải được tháo cạn nước, vét bớt lớp bùn đáy, đặc biệt chú ý diệt hết còng cáy trong ao, ao cần có lưới chắn để còng cáy bên ngoài không vào được ao nuôi tôm. Nước sử dụng nuôi tôm phải được đưa vào ao chứa lắng để sát trùng diệt mầm bệnh trước khi cấp vào ao nuôi. Tuyệt đối không sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Người nuôi tôm cần chọn giống tôm chất lượng, sạch bệnh tại các cơ sở sản xuất giống uy tín, có thương hiệu lâu năm trên thị trường, có Giấy chứng nhận kiểm dịch, tôm kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng...
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện ven biển, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc tuyên truyền, phổ biến khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ phù hợp cho từng vật nuôi trên địa bàn cho người dân; hướng dẫn người dân về kỹ thuật cải tạo ao nuôi, sử dụng con giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế tình trạng ham rẻ mua giống kém chất lượng làm phát sinh dịch bệnh; tăng cường thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường nuôi thủy sản trên địa bàn...