Ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 hiện có 14 hộ nuôi các loại cá điêu hồng, trê, rô phi, lăng nha, lóc, chình... trong lồng bè. Ông Trần Văn Mạo (thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) đang nuôi 20 lồng cá ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, cách đây vài hôm, cá rô phi trong tự nhiên chết hàng loạt ở lòng hồ. Sau đó, các loại cá điêu hồng, cá lăng nha được nuôi trong lồng bè cũng chết theo. “Môi trường nước trong lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 biến động đột ngột trong những ngày qua. Bằng mắt thường có thể thấy nguồn nước từ xã Trà Bui có màu đen, sủi bọt, rất hôi tanh chảy vào lòng hồ thủy điện với lưu lượng khá lớn. Có thể cyanua từ các nơi đào đãi vàng sử dụng quá nhiều đã theo dòng nước chảy vào lòng hồ khiến môi trường nước bị biến động quá mạnh, cá không thể thích ứng nên chết hàng loạt” - ông Mạo nói. Những ngày qua, ông Mạo đã di chuyển các lồng bè nuôi cá đến khu vực có nguồn nước sâu hơn, sạch hơn và khử trùng nguồn nước bằng các loại thuốc để bảo vệ các loại cá đang còn sinh sống.
Ông Lê Thịnh Bào (xã Trà Sơn, Bắc Trà My) đang nuôi các loại cá điêu hồng, cá rô phi, cá thác lác, cá chình trong 6 lồng bè ở khu vực đập phụ hồ thủy điện Sông Tranh 2. Ông Bào cho biết, sau khi cá rô phi trong tự nhiên chết thì các loại cá đang nuôi trong lồng bè cũng chết hàng loạt. “Cá rô phi trong tự nhiên có sức đề kháng rất mạnh mà chết đến hàng tấn thì các loại cá nuôi có sức đề kháng yếu hơn khó mà không bị nhiễm bệnh rồi chết. Tôi và các hộ dân rất lo lắng vì đầu tư rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng, lỡ cá chết hết thì thua lỗ, thâm nợ” - ông Bào nói. Ông Bào và các hộ dân nuôi cá quanh khu vực đập phụ hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã vớt cá chết lên bờ tiêu hủy, tránh mầm bệnh lây lan theo dòng nước khiến cá nuôi chết theo.
Sáng qua (16.7), Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi & thú y (Sở NN&PTNT) đến hồ thủy điện Sông Tranh 2 để khảo sát, nắm tình hình cá chết. Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đến thời điểm này chưa thể khẳng định cá chết do nguyên nhân gì. “Chúng tôi đang lấy mẫu cá, mẫu nước để xét nghiệm rồi mới có thể kết luận vì sao cá chết” - bà Tâm nói. Ngành thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi cá túc trực 24/24 giờ để theo dõi, phòng chống bệnh và dịch bệnh xảy ra với cá nuôi. “Môi trường nước nuôi cá cần được các nông hộ quản lý tốt, khử trùng, diệt trùng, đồng thời bổ sung vitamin, khoáng chất trộn vào thức ăn để giúp cá tăng sức đề kháng, vượt qua được biến động của môi trường nước” - bà Tâm nói.