Mục sở thị tại vùng nuôi tôm tập trung xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi, mừng vui của các hộ nuôi tại đây. Ông Trịnh Công Rằng, thôn Bình Minh, xã Hải Lạng vừa thu hoạch tôm, vừa cho biết: Vụ này, gia đình thả 23 vạn giống trên diện tích gần 4.000m2 ao, tôm lớn nhanh, sau hơn 3 tháng đã đạt 5 tấn, cỡ 45 con/kg, giá bán 150.000 đồng/kg. Tính ra gia đình cũng đã có doanh thu trên 700 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 40% giá trị, cao hơn nhiều so với vụ tôm năm trước.
Xã Hải Lạng hiện có 938ha nuôi tôm, chiếm trên 80% diện tích nuôi tôm của toàn huyện Tiên Yên, trong đó có 48ha nuôi theo hình thức công nghiệp. Nếu như những năm trước, vùng nuôi tôm Hải Lạng là vùng có nguy cơ bùng phát dịch cao thì vụ nuôi này do công tác giám sát, phòng trừ dịch bệnh tốt nên diện tích ao nuôi bị nhiễm bệnh rất thấp. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp đã tăng lên 25ha khiến cho sản lượng toàn vùng tăng đột biến.
Theo con số thống kê tính đến cuối tháng 6, sản lượng thu hoạch tôm của Hải Lạng đạt khoảng 200 tấn. Theo ông Trần Văn Hoạch, Phó Bí thư Đảng uỷ xã, ước đến hết tháng 7, toàn vùng Hải Lạng có thể đạt tổng sản lượng gần 600 tấn tôm, cao hơn 150 tấn so với cùng kỳ năm 2016. Cùng với Hải Lạng, các vùng nuôi tôm nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Tiên Yên như Đông Hải, Đồng Rui... cũng đang tiến hành thu hoạch. Theo ông Lục Văn Long, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, mặc dù hiện chưa có con số thống kê cuối cùng, tuy nhiên với năng suất trung bình như hiện nay, đến hết tháng 7, toàn huyện Tiên Yên ước đạt từ 700-800 tấn tôm.
Tại các vùng nuôi tôm khác như Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả, Uông Bí... tình hình cũng rất khả quan. Trong đó đối với vùng trọng điểm nuôi tôm TP Móng Cái, thời điểm này, hầu hết các hộ nuôi đều đã hoàn thành thu hoạch. Năm nay sản lượng tôm của Móng Cái không tăng cao so với năm trước, ước khoảng 2.000 tấn, tuy nhiên giá trị lại đạt cao. Việc này do người dân thu hoạch sớm (trước gần 1 tháng so với lịch thời vụ), giá bán thời điểm đầu mùa đạt trong khoảng 200.000 đồng/kg. Việc thu hoạch tôm sớm cũng giảm thiểu chi phí đầu vào như thức ăn cho con tôm. Chính bởi vậy, doanh thu, lợi nhuận của người nuôi tôm thu được khá lớn.
Trong vụ tôm này, duy có vùng nuôi tôm Quảng Yên, Hoành Bồ, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thời tiết bất thường, công tác chăm sóc kém nên có một số diện tích ao nuôi mất mùa, sản lượng toàn vùng ước đạt thấp hơn 2016. Đến cuối tháng 6, 2 địa phương này thu được trên 1.000 tấn.
Năm nay, toàn tỉnh có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến nên đạt năng suất, sản lượng, giá trị tăng đột biến, cao nhất trong những năm qua. Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm, phường Hải Hoà, TP Móng Cái, nuôi gần 2ha, đạt sản lượng trên 40 tấn, doanh thu trên 6 tỷ đồng; trừ chi phí lãi gần 4 tỷ đồng. Theo ông Liêm cho biết, thành quả đó là nhờ việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, chủ động điều tiết và ứng phó kịp thời với thời tiết; tính toán thời gian thả để có thể thu hoạch đúng vào thời điểm giá thu mua trên thị trường đạt cao nhất. Mô hình nuôi tôm công nghiệp với diện tích 2ha của Công ty CP Nhật Long, phường Hà Tu, TP Hạ Long cũng đạt sản lượng trung bình đến 35 tấn/ha, mức cao nhất tỉnh. Qua tìm hiểu được biết, cách làm của đơn vị này là thả giống dày, tiến hành thu hoạch tỉa sau 2/3 thời gian nuôi, sau đó để lại lượng tôm ở mật độ hợp lý và dưỡng to bán thương phẩm với giá cao.
Với kết quả trên, theo ông Vương Văn Oanh, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Thuỷ sản tỉnh, vụ nuôi tôm này, toàn tỉnh thắng cả về sản lượng và giá trị, sẽ là nền tảng, động lực để thúc đẩy, nâng cao giá trị lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản cũng như toàn ngành nông nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2017.