Vụ nuôi tôm năm nay gia đình ông Hoàng Phụng ở HTX Đông Giang 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà thả nuôi gần 24 vạn con giống tôm sú trên diện tích gần 9.900 m2 . Nhưng chỉ sau 23 ngày thả nuôi, tôm đã có dấu hiệu bỏ ăn, dạt vào bờ và chết. Ngay khi tôm có hiện tượng chết, ông đã báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y về kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả đã xác định tôm nuôi bị mắc bệnh hoại tử gan tụy.
Giám đốc HTX Đông Giang 2 Hoàng Đình Anh cho biết, chỉ sau 23 ngày thả nuôi dịch bệnh trên tôm nuôi bắt đầu xuất hiện. Từ 4 ao nuôi bị bệnh đầu tiên đến nay đã có 6,5 ha nuôi tôm bị bệnh trên tổng diện tích 29,56 ha nuôi tôm của HTX. Mặc dù ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh trên tôm nuôi, HTX đã nhanh chóng gửi báo cáo tình hình lên phường, thành phố và Trạm CN&TY để kịp thời có phương án dập dịch hiệu quả. Nguyên nhân dịch bệnh bùng phát trên tôm nuôi là do từ sau Tết Nguyên đán thời tiết nắng nóng liên tục rất thuận lợi cho việc cải tạo ao nuôi nên người dân tranh thủ thả giống sớm. Tuy nhiên sau khi thả giống thì thời tiết lại diễn biến bất lợi, nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi; một nguyên nhân nữa là có thể do con giống mang sẵn mầm bệnh nên khi gặp thời tiết bất lợi đã làm dịch bệnh bùng phát. “Hiện nay nắng nóng gay gắt, độ mặn lên cao cùng với việc xuất hiện những cơn mưa giông vào buổi chiều tối, mực nước trong ao nuôi không đảm bảo, nhiều rong, tảo, nhưng hầu hết các hộ nuôi tôm không bố trí ao lắng, trữ nước để xử lí cấp vào ao, bổ sung nguồn nước cho tôm nuôi nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong thời gian tới vẫn rất cao”, ông Anh nhận định.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Đông Hà Lê Chí Hồng cho biết, trong các ngày từ 22/4 - 2/5/2019 bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xuất hiện trên ao nuôi của 14 hộ ở phường Đông Giang và 1 hộ ở phường Đông Lễ với tổng diện tích 7,02 ha. Đối tượng bị bệnh là tôm sú và tôm thẻ 25 ngày tuổi với các triệu chứng bệnh điển hình là tôm bỏ ăn, chết rải rác dạt bờ, gan, tụy bị tổn thương. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Phòng Kinh tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tích cực triển khai công tác phòng bệnh và dập dịch. Đã hoàn thiện hồ sơ dịch bệnh để hỗ trợ dập dịch với khối lượng 2.995 kg Chlorine; đồng thời tổ chức giám sát công tác dập dịch, đảm bảo sử dụng hóa chất được hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng liều lượng qui định; sau 5 ngày kể từ khi xử lí ao nuôi bằng hóa chất mới cho phép xả nước ra ngoài môi trường; xử lí bùn đáy ao đảm bảo không còn mầm bệnh; phun hóa chất khử trùng các phương tiện dụng cụ chứa đựng tôm bệnh, bờ ao nuôi. Đồng thời thông báo tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi cho các hộ nuôi xung quanh, hướng dẫn các biện pháp phòng trị bệnh kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng.
“Để việc xử lí dập dịch được kịp thời, có hiệu quả, hạn chế lây lan, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương hỗ trợ 30% kinh phí mua hóa chất dập dịch cho các hộ nuôi tôm bị dịch bệnh trên địa bàn thành phố, đồng thời có văn bản đề nghị Chi cục CN&TY tiếp tục hỗ trợ 50% kinh phí mua hóa chất dập dịch khi có trường hợp phát sinh dịch bệnh”, ông Hồng cho hay.
Theo thống kê của Chi cục CN&TY, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 15 ha ao nuôi tôm bị bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đốm trắng. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với các bệnh nguy hiểm, chi cục đã kịp thời cấp 4.890 kg hóa chất Chlorine từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm xử lí dập dịch, góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh sang các vùng nuôi khác. Tuy nhiên do hiện nay đang ở vụ nuôi chính, với tính chất nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh của dịch bệnh cộng với thời tiết khắc nghiệt, nếu các hộ nuôi không tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng thì trong thời gian tới dịch bệnh rất dễ bùng phát và lây lan trên diện rộng.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục CN&TY Trần Hoãn cho biết, để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi thì công tác phòng bệnh là chủ yếu. Theo đó, các hộ nuôi tôm cần tuân thủ đúng khung lịch thời vụ thả giống, tôm giống được lấy từ các cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch, tuân thủ đúng quy trình nuôi. Khi có dịch bệnh xảy ra cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của Trạm CN&TY các huyện, thành phố trong việc ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời lấy mẫu để người nuôi gửi xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với các bệnh nguy hiểm thì kịp thời hỗ trợ hóa chất Chlorine để xử lí dập dịch. Về giải pháp lâu dài, các địa phương cần vận động các hộ nuôi tôm thành lập tổ nuôi tôm cộng đồng để tự quản, sớm phát hiện báo cáo dịch bệnh ngay từ những ao đầu tiên và giám sát thực hiện các biện pháp chống dịch; vận động các tổ nuôi tôm, các HTX thành lập quỹ để dự trữ hóa chất, khi phát sinh dịch bệnh những hồ đầu tiên thì có thể sử dụng nguồn dự phòng này để xử lí kịp thời; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật vào nuôi tôm như các mô hình nuôi tôm theo công nghệ sinh học, nuôi tôm 2 giai đoạn để hạn chế dịch bệnh. Đối với những vùng nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, người nuôi cần chuyển đổi sang nuôi các đối tượng nuôi khác như cá rô phi, cá dìa, cá đối mục, cua… hoặc nuôi xen ghép tôm, cua, cá để hạn chế rủi ro do dịch bệnh.
“Trước tình hình dịch bệnh có khả năng lây lan trên diện rộng, bên cạnh việc cấp hóa chất Chlorine để dập dịch, thông báo cho các hộ nuôi xung quanh biết về tình hình dịch bệnh, chi cục đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và hạn chế lây lan mầm bệnh; vận động các hộ nuôi có tôm bị bệnh hạn chế đi lại qua các ao nuôi khác. Đối với những ao nuôi chưa bị bệnh cần phải dùng lưới rào chắn xung quanh ao, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao, xử lí nước trước khi cấp vào ao nuôi; theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe tôm nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lí, thủy hóa trong ao; bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao tính cộng đồng trong vùng nuôi, vận động người nuôi tôm thực hiện tốt “ba không” (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lí và không xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường) để góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh ở tôm nuôi”, ông Hoãn nhấn mạnh.