Nghề làm nước mắm truyền thống ở xã Tam Thanh có từ khi nào chẳng ai nhớ rõ, chỉ biết rằng làng nghề nước mắm Tam Thanh là một trong những thương hiệu nước mắm thơm ngon nổi tiếng. Trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống đặc trưng.
Có thâm niên suốt 25 năm làm nước mắm, bà Kiều Thị Ngọc Loan (44 tuổi, ở thôn Hạ Thanh 2, xã Tam Thanh) cho biết hiện cả làng có hơn 40 cơ sở nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, đều sản xuất theo phương thức truyền thống, không sử dụng chất bảo quản phụ gia trong sản xuất. Nguyên liệu để tạo nên nước mắm là cá cơm, cá cơm sau khi thu mua tại biển Tam Thanh về thì được đưa vào vại muối với công thức riêng là 2 kg cá thì bỏ 1 kg muối.
“Nước mắm sau khi được lọc cặn bã xong thì có thể mang lên TP.Tam Kỳ để bỏ cho các nhà hàng với giá 50 ngàn đồng/lít. Bên cạnh đó cũng có nhiều khách hàng ở các tỉnh lân cận như Đà Nẵng, Quảng Ngãi đến tận cơ sở để thu mua. Nhờ giữ nghề này mà gia đình tôi có thể cho các con đi học đến nơi đến chốn, cạnh đó cũng giữ nghề truyền thống của cha ông” - bà Loan nói.
Cùng với cơ sở nước mắm của bà Loan, hàng chục cơ sở làm nước mắm khác trên địa bàn xã Tam Thanh cũng đang hối hả sản xuất trong bầu không khí khẩn trương, nhộn nhịp để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp tết này.
Tại cơ sở của gia đình bà Trần Thị Ngọc Lan (55 tuổi), những vại muối cá cơm đang được đem ra để chắt lọc. Mở nắp vại cá cơm được muối gần 1 năm nay, tỏa mùi thơm ngào ngạt, bà cho biết: “Cá cơm sau khi được đưa vào vại muối khoảng 10 – 12 tháng, thì có thể chắt lọc những giọt nước mắm đầu tiên để bán. Khi thời gian trôi về những ngày cuối năm, công việc sản xuất nước mắm cũng bận rộn hơn, cùng với đó đã có rất nhiều thương lái tới đặt hàng thu mua từ cả một tháng trước”.
Cũng theo bà Lan, có lúc nhiều cơ sở làm nước mắm ở đây đã nghĩ đến chuyện đóng cửa. Ngoài việc nguyên liệu cá cơm khan hiếm, thị trường đầu ra không ổn định, lại bị các thương hiệu nước mắm có tên tuổi cạnh tranh gay gắt. Việc quảng bá, xây dựng thương hiệu và cách làm còn manh mún, nhỏ lẻ đã khiến nhiều người làm nghề nước mắm truyền thống phập phồng lo sợ. Họ sợ rằng một ngày nào đó, làng nghề truyền thống sẽ bị mai một và mất hẳn.
“Từ năm 2010 đến nay, làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh bắt đầu hồi sinh và phát triển trở lại. Với cách thức chế biến truyền thống, lại đảm bảo an toàn thực phẩm nên nước mắm Tam Thanh dần được thị trường đón nhận bởi hương vị thơm ngon, đậm đà. Hiện giờ nước mắm ở làng tôi bán rất chạy, cứ đến cuối năm dù giá cao đến mấy cũng không có hàng mà bán”- bà Lan chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh đang dần được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Nhờ làng nghề này mà nhiều hộ dân tại địa phương đã vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu nhập ổn định cho kinh tế gia đình. Bên cạnh đó cũng giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
“Nước mắm được sản xuất theo phương thức thủ công nên không dùng hóa chất, vì vậy quá trình bảo quản không được lâu dài. Thời gian qua nước mắm Tam Thanh rất được thị trường ưa chuộng. Hiện nay địa phương cũng đã tham mưu, để giúp cho một số hộ dân ở ngoài tổ hợp chưa được kiểm định chất lượng, được kiểm định. Cùng với đó, hỗ trợ một số nguồn vốn để bà con nâng cao mẫu mã cho sản phẩm nước mắm Tam Thanh và khuyến khích các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất để duy trì làng nghề truyền thống này”, ông Bình cho biết thêm.