"Thần đèn" trên biển

Trong những câu chuyện cổ tích xứ Ả Rập diệu kỳ, thần đèn có khả năng dời non lấp bể. Ở Quảng Trị, tôi biết một người được dân gian phong là “thần đèn” trên biển. Ông là Võ Văn Thụ.

xưởng đóng tàu
“Thần đèn” Võ Văn Thụ trong xưởng đóng tàu của mình ở TT.Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Sinh ra trong gia đình có 8 chị em, nhiều đời kiếm cơm bằng nghề quăng chài thả lưới ở Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị), ông Thụ gắng đến lớp 9 thì bỏ học. 8 tuổi, Thụ đã theo cha đi biển, 15 tuổi đã là tài công đánh bắt cá tôm quanh đảo Cồn Cỏ. 21 tuổi, ông cùng vợ tìm cách qua Hồng Kông tìm cơ may. Sau 3 năm lây lất nơi đất khách, vợ chồng ông trở về không mang theo được cắc bạc nào ngoài... một đứa con trai. “Đời tôi sóng gió, lang bạt kỳ hồ, nghề gì tôi cũng có động tay nhưng định mệnh không cho tôi dứt ra khỏi biển cả”, bên cửa bể gió thổi phần phật, người đàn ông vừa bước qua tuổi 49 nắm chặt bàn tay, nói đầy chiêm nghiệm.

“Bà đỡ” cho tàu “khủng”

Trước khi làm “thần đèn”, ông Thụ làm... “bà đỡ”. Chỉ có điều những “đứa trẻ” mà ông nâng niu có cân nặng từ vài tấn đến vài trăm tấn. Đó là những con tàu.

Sau khi trở về cố hương, ông Thụ cùng anh em trong nhà vươn khơi trên những chiếc tàu cá. Ngặt nỗi, thời gian này khá xui xẻo với ông khi tàu chìm liên tục 3 - 4 bận, phải thường xuyên kéo lên sửa chữa. “Ngày đó, tôi đã tự chế ra một đường ray, bánh đà để kéo tàu từ mép nước lên bờ. Chủ yếu để phục vụ việc sửa chữa, bảo dưỡng cho tàu mình. Ngờ đâu sau đó, bà con xung quanh đến nhờ nhiều quá nên tôi cũng giúp luôn”, ông Thụ kể.

Xuất phát từ ý tưởng tự cứu mình đó mà từ 1994 đến nay có không dưới 1.000 con tàu được kéo lên bãi đất trống của gia đình ông Thụ để đại tu. Những năm 1997 - 1998, ông cùng hơn 50 nhân công của mình bảo dưỡng, sơn quét cho 50 con tàu mỗi tháng. Về sau, ông không chỉ nhận tàu cá, tàu gỗ mà còn sửa chữa, cải hoán cho cả tàu vận tải bằng sắt, có tàu nặng cả 1.000 tấn.

Thừa thắng xông lên, năm 2007, ông Thụ đóng hoàn chỉnh một chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên. Đó là chiếc tàu cho huyện đội huyện đảo Cồn Cỏ, khá khiêm tốn với chiều dài 16 m, rộng 4 m, máy 45 CV... Nhưng từ đà này, những con tàu khác do ông “đỡ đẻ” cũng lần lượt ra đời, càng về sau tàu càng lớn.

Là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Quảng Trị, tính đến nay, có thể đóng tàu lớn nên chỉ riêng trong năm 2015, Công ty đóng tàu Cửa Việt của ông Thụ là “bà đỡ” cho 7 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (4 tàu vỏ thép, 3 tàu vỏ gỗ); doanh thu ước đạt hơn 55tỉ đồng. Đây toàn là những chiếc tàu “khủng” với chiều dài trung bình 35 m, rộng 7,5 m, công suất 800 CV trở lên.

Cùng thời điểm, xưởng của ông Thụ cũng đang hoàn thành 4 con tàu lớn khác do ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Bà Rịa-Vũng Tàu đặt hàng.

con tàu gỗ
Ông Thụ bên con tàu gỗ đầu tiên đóng theo Nghị định 67 xuất xưởng trong năm 2015

Tái sinh những con tàu đắm

Ông Thụ bén duyên với cái nghiệp mà ông ví von là “người trần gian đi làm việc âm phủ” vào năm 2002, lúc đó tàu vận tải Phương Nam của Công ty xăng dầu Cửa Việt bị mắc cạn ngay gần xưởng của ông. Vốn không ít lần gặp nạn trên biển, hiểu nỗi thống khổ của đời thủy thủ nên ông Thụ đã ra tay giúp đỡ và nhận luôn việc cứu hộ từ đó.

Cũng như làm “bà đỡ”, ông tỏ ra rất mát tay khi làm “thần đèn” cứu tàu trên biển. Chỉ ngót 13 năm làm nghề nhưng ông đã thành công nhiều vụ “kinh thiên động địa”.

“Tàu mắc cạn nặng hàng trăm hàng ngàn tấn trên biển thì chẳng có vụ nào dễ và chẳng vụ nào giống vụ nào”, ông Thụ nói và kể: “Ví như tàu Huy Hoàng 26, năm 2006 chìm và gãy dưới chân cầu Gianh (Quảng Bình) tôi phải cho người cắt đôi con tàu ra mới đưa được vào bờ. Hay năm 2011, tàu Mạnh Hà 2.000 tấn chìm ở Chân Mây Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế), có 2 đơn vị nhận trục vớt 7 tháng không thành nên tay trắng ra về trong khi đoàn tôi vào, may mắn chỉ mất 18 ngày thì tàu đã trồi lên mặt nước. Gần đây nhất, hồi tháng 4.2015, một vụ rất khó như tàu cá của ông Lê Thanh Tuấn (trú Gio Việt, H.Gio Linh) bị chìm ở độ sâu 64 m, cách đảo Cồn Cỏ 15 hải lý mà tôi vẫn có cách cứu được... Riêng năm 2009, có trận bão lớn tôi cứu được 6 tàu trong khu vực biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Xa nhất, tôi đã vô tận Trà Vinh cứu tàu”.

cứu tàu ngoạn mục
Nhóm của ông Thụ thực hiện nhiệm vụ cứu tàu ngoạn mục trên biển - Ảnh: nhân vật cung cấp

Ông Thụ bảo kỹ thuật cứu tàu thì rất nhiều như kéo rê, hút nước, thổi không khí hoặc lắp đặt túi khí để nâng tàu lên khỏi mặt nước..., nhưng tùy vào từng hoàn cảnh để người ta sử dụng kỹ thuật nào. “Làm cứu hộ trên biển không có một quy chuẩn về giá cả. Đây có thể là việc “siêu lợi nhuận” nhưng rủi ro rất cao. Người làm cứu hộ có thể mất trắng hoặc đánh đổi cả tính mạng”, ông Thụ cho hay.

Điều này là không sai với phi vụ cứu tàu Minh Linh 27 chìm tại cửa Thuận An (Thừa Thiên-Huế) mà ông Thụ cùng nhóm thợ thực hiện năm 2006. Vụ ấy, ông lỗ mấy trăm triệu đồng, bởi phải mất tới 6 tháng trời, tốn tiền thuê hàng chục tàu kéo, tàu hút nước cát và hàng trăm nhân công, ông mới đánh nổi được con tàu “ương ngạnh” này.

Nhưng điều mang lại uy tín cho “thần đèn” Võ Văn Thụ chính là ông chưa bao giờ chịu đầu hàng trước một con tàu đắm. Đã có gần 10 tàu lớn nhỏ được ông Thụ “hồi sinh” khi tưởng như đã “chết” trên biển.

Ông Thụ nói công việc cứu hộ trên biển là công việc nguy hiểm bậc nhất vì thường được thực hiện giữa lúc mưa bão, biển động. “Lắm lần cho anh em lặn xuống mà tôi như ngồi trên đống lửa, sợ bị họ áp lực nước đè chết. Bản thân tôi cũng hút chết 2 lần vì quá mải mê cứu tàu, bị dây tời đánh văng xuống nước, tưởng như bể ngực”, ông Thụ kể.

Thoáng chút nghĩ suy, ông tâm sự khi đã tỉnh “cơn say máu”, tính chuyện được mất, ông từng có ý định bỏ nghề... Nhưng nghĩ là nghĩ vậy, chứ bao năm rồi ông vẫn dọc ngang trên biển, vẫn cùng anh em lao về những con tàu đắm...

Báo Thanh Niên, 03/01/2016
Đăng ngày 06/01/2016
Nguyễn Phúc
Đánh bắt

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 10:17 25/11/2024

Đồng Nai kiên quyết dẹp ngư cụ cấm và đánh bắt tự diệt

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm dẹp bỏ ngư cụ cấm và các hình thức đánh bắt kiểu “tự diệt”.

Người dân
• 09:34 01/11/2024

“Lộc trời” sau bão Trà Mi: Người dân Đà Nẵng đón nhận món quà từ biển

Bão Trà Mi qua đi đã để lại những “món quà” bất ngờ cho người dân Đà Nẵng, khi dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành được phủ kín bởi vẹm xanh, sò huyết, chíp chíp, và nhiều loại hải sản khác.

Vẹm xanh
• 10:33 31/10/2024

Người dân thất thoát trước quy định mới về đánh bắt cá ngừ

Nhiều ngư dân Việt Nam đang gặp khó khăn trước các quy định mới về kích thước tối thiểu khi khai thác cá ngừ vằn. Cụ thể, theo Nghị định 37/2024/NĐ-CP, cá ngừ vằn chỉ được phép khai thác nếu đạt chiều dài từ 50cm trở lên. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhưng lại gây thiệt hại lớn cho ngư dân và doanh nghiệp xuất khẩu.

Cá ngừ
• 14:13 22/10/2024

Giải thích cơ chế cắt tảo ao nuôi bằng vi sinh

Trong quá trình nuôi tôm, sự xuất hiện và phát triển quá mức của các loại tảo độc như tảo lam, tảo giáp hay tảo mắt,… luôn là một thách thức lớn đối với người dân.

Ao nuôi
• 19:17 28/11/2024

Tôm sinh thái của Việt Nam: Mở khóa tiềm năng tại thị trường Châu Âu và Hoa Kỳ

Khi người tiêu dùng ở châu Âu và Hoa Kỳ ngày càng coi trọng sức khỏe và các mối quan tâm về môi trường, tôm sinh thái đang nổi lên như một lựa chọn bền vững trong ngành thủy sản.

Tôm sú
• 19:17 28/11/2024

Từ loài cá gây sợ hãi đến món ăn sánh ngang với tôm hùm

Trước đây, cá thầy tu là một trong những loài cá được cho là sở hữu ngoại hình lập dị nhất thế giới đại dương và thậm chí còn từng bị nước Pháp cấm săn bắt và buôn bán vì nó mang lại nỗi khiếp sợ cho khách hàng.

Món cá
• 19:17 28/11/2024

Giải quyết vấn đề nấm đồng tiền trong ao nuôi tôm

Nấm đồng tiền trong ao nuôi tôm là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà người nuôi tôm phải đối mặt. Loại nấm này gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của tôm, làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm, thậm chí dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế.

Nấm đồng tiền
• 19:17 28/11/2024

Xử lý cá cảnh bị nấm: Hướng dẫn chi tiết và hiệu quả

Nấm là một trong những vấn đề thường gặp ở cá cảnh, đặc biệt là khi môi trường sống của chúng không được duy trì đúng cách. Nấm có thể xuất hiện dưới dạng các vết loét trắng trên da, vây hoặc mang cá, khiến cá bị suy yếu và dễ mắc các bệnh khác.

Bệnh nấm cá
• 19:17 28/11/2024
Some text some message..