Gia đình là chủ công ty
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được coi là “ông lớn” trong ngành thủy sản. Thế nhưng trong thời gian gần đây, "Vua tôm" Minh Phú lao đao bất ngờ. Và vấn đề đầu tiên cổ đông nghĩ tới chính là Minh Phú thực chất vẫn là công ty gia đình.
Mặc dù đã cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu MPC trên sàn chứng khoán Tp.HCM nhưng Minh Phú vẫn được xem là công ty gia đình vì gia đình ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Minh Phú nắm giữ lượng cổ phần rất lớn tại công ty.
Cụ thể, tính tới thời điểm cuối năm 2014, gia đình ông Quang nắm giữ gần 79% cổ phần tại Minh Phú. Trong đó, bà Chu Thị Bình, vợ ông Quang là cổ đông lớn nhất khi sở hữu gần 17,5 triệu cổ phiếu MPC, tương ứng 25,29% vốn của “Vua tôm”.
Nắm giữ những chức vụ lớn nhất tại công ty nhưng ông Quang lại đứng sau vợ về độ giàu có. Ông Quang “chỉ” là cổ đông lớn thứ hai của Minh Phú khi nắm giữ gần 16 triệu cổ phiếu MPC, tương ứng 23,1 % vốn tại công ty.
Chưa phải là cổ đông lớn của Minh Phú nhưng Lê Thị Dịu Minh, con gái của ông Quang và bà Bình vẫn có trong tay số lượng cổ phiếu không hề nhỏ. Tại thời điểm 31/12/2014, ái nữ Dịu Minh sở hữu gần 3,2 triệu cổ phiếu MPC, tương ứng 4,57% vốn MPC.
Năm 2014, MPC lọt vào danh sách những cổ phiếu tăng nhiều nhất giúp ông Quang, bà Bình thường xuyên có mặt tron Top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Cô con gái Dịu Minh cũng được chú ý vì lượng cổ phiếu của cô tương đương hàng trăm tỷ đồng.
Danh sách các thành viên trong gia đình ông Quang, bà Bình sở hữu hàng triệu cổ phiếu MPC còn kéo dài khiến gia đình ông Quang nắm giữ số lượng cổ phần rất lớn tại công ty nên khi cần biểu quyết vấn đề lớn, lượng cổ phiếu trong gia đình ông Quang đã đủ quyết định tất cả. Vì vậy, cổ đông nhỏ gần như không có tiếng nói lớn tại Minh Phú.
Với việc sở hữu số lượng rất lớn cổ phiếu MPC, gia đình ông Quang có quyền lực lớn tại công ty. Quyền lực này càng được mở rộng hơn khi đa số các vị trí quan trọng đều thuộc về các thành viên trong gia đình.
Bà Chu Thị Bình, vợ ông Quang vừa là Phó Tổng giám đốc, vừa là Thành viên HĐQT công ty. Đây cũng là những chức vụ mà ông Chu Văn An, anh trai bà Bình và ông Lê Văn Điệp, em trai ông Quang nắm giữ. Cuối năm 2014, Lê Thị Dịu Minh con gái ông Quang được bổ nhiệm vào chức danh Phó Tổng giám đốc.
“Vua tôm” lao đao
Sau nhiều năm cổ phiếu MPC giao dịch trên sàn chứng khoán, gia đình ông Quang vẫn duy trì được tỷ lệ sở hữu cao vì công ty tương đối thận trọng khi phát hành thêm cổ phiếu. Sau đợt phát hành cổ phiếu để chia cổ tức năm 2007, cho đến nay Minh Phú chưa một lần phát hành thêm, mặc dù kế hoạch là có.
Gia đình nắm giữ lượng cổ phiếu lớn và các chức vụ quan trọng nhất công ty nên ban lãnh đạo khá đồng thuận. Đây có thể được xem là lợi thế của các công ty gia đình. Tuy nhiên, với việc không giảm tỷ lệ sở hữu và không chia sẻ quyền lực cho “người ngoài”, rất có thể, công ty không tận dụng được nguồn lực và chất xám của xã hội.
Không biết có phải vì vậy hay không mà cuối năm 2014 Minh Phú khiến giới đầu tư chứng khoán xôn xao vì Minh Phú quyết định hủy niêm yết tự nguyện với cổ phiếu MPC. Ông Quang cho biết rời sàn chứng khoán, MPC sẽ được tự do bay nhảy, hợp tác với đối tác ngoại mà không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu. Việc huy động vốn vì thế cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn với MPC.
Thế nhưng, “đen đủi” cho MPC ở chỗ, không bao lâu sau khi MPC hủy niêm yết với lý do dễ hợp tác với đối tác ngoại thì Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho phép “nới room” của nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành. Kết quả là cổ phiếu nhiều công ty tăng vọt vì nhà đầu tư kỳ vọng dòng tiền khối ngoại sẽ giúp những công ty “nới room” phát triển mạnh.
Trong khi đó, hơn nửa năm sau khi rời sàn, Minh Phú không những chưa hút được tiền của khối ngoại mà hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng lận đận, ‘Vua tôm’ Minh Phú lao đao.
Sau hủy niêm yết, lợi nhuận quý 1/2025 của Minh Phú chỉ bằng 15,5% cùng kỳ năm 2014. Tệ hại hơn, sang quý 2, công ty lỗ ròng gần 15 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng lãi ròng vỏn vẹn 11 tỷ đồng, chưa bằng 1% kế hoạch đặt ra trước đó.
Khi được hỏi về sự trượt dốc này của Minh Phú, ông Quang “đổ thừa” cho tỷ giá. Ông Quang lý giải khi Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách “giữ giá” đồng nội tệ so với USD, các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia phá giá đồng tiền quá mạnh. Điều này khiến hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khó lòng cạnh tranh với các quốc gia nói trên.
Đúng là thời gian qua tỷ giá ảnh hưởng mạnh tới doanh nghiệp. Nhưng xét cho cùng, Minh Phú không phải công ty thủy sản duy nhất xuất khẩu. Trên sàn chứng khoán, hai “ông lớn” thủy sản khác là công ty Hùng Vương và công ty Vĩnh Hoàn vẫn duy trì được mức lợi nhuận cao.
Trong quý 2, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đạt lợi nhuận sau thuế 191,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Con số này tại Công ty Cổ phần Hùng Vương là 79,4 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với quý 1/2015.
Có thể thấy, tỷ giá chưa hẳn đã là nguyên nhân khiến Minh Phú lận đận đến như vậy. Nhiều người đang đặt ra câu hỏi phải chăng việc gia đình ông Lê Văn Quang là chủ “Vua tôm” Minh Phú nên người khổng lồ ngành thủy sản‘Vua tôm’ Minh Phú lao đao?