Nhím biển ăn tảo bẹ, loài thực vật hấp thụ mạnh khí CO2 từ không khí. CO2 là loại khí gây hiện tượng biến đổi khí hậu. Do rái cá ăn nhím biển nên chúng là "đồng minh" của các rừng tảo bẹ.
Các nhà khoa học của Đại học California tại Mỹ phân tích dữ liệu về rái cá và rừng tảo bẹ từ đảo Vancouver Island tới rìa phía tây của quần đảo Aleutian thuộc bang Alaska, Mỹ trong 40 năm. Họ nhận thấy rừng tảo bẹ phát triển mạnh ở những khu vực mà rái cá biển thường xuyên xuất hiện.
Thông thường nhím biển có thể gặm hết tảo bẹ trong thời gian rất ngắn. Nhưng khi rái cá xuất hiện, chúng buộc phải lẩn trốn trong các kẽ đá nên không ăn được nhiều. Số lượng rái cá trong một vùng biển càng lớn thì diện tích rừng tảo bẹ ở khu vực đó càng tăng. Do tảo bẹ hấp thu khí CO2 trong quá trình quang hợp nên chúng góp phần làm giảm tác động của biến đổi khí hậu.
"Với sự hiện diện của rái cá, lượng khí CO2 mà tảo bẹ hấp thu tăng 12 lần so với khi rái cá không xuất hiện", nhóm nghiên cứu khẳng định trong một bài báo trên tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment.
Giáo sư Chris Wilmers, trưởng nhóm nghiên cứu, thừa nhận rằng rái cá không thể ngăn chặn triệt để đà tăng của khí CO2, nhưng cho rằng nghiên cứu của Đại học California giúp con người hiểu rõ hơn tác động của động vật đối với khí quyển.