Ngày 13/3, ngành chức năng tỉnh Ninh Bình đã có thông báo chính thức về kết quả xác định loại sinh vật lạ ăn sạch đầm ngao giống của các hộ dân ven biển huyện Kim Sơn.
Như đã thông tin, thời gian gần đây, tại các bãi nuôi ngao ven biển thuộc huyện Kim Sơn đã xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt. Tại các bãi ngao bị chết, có xuất hiện một loài “sâu lạ” với mật độ dày đặc. Trước hiện tượng này, Sở NN-PTNT Ninh Bình đã lấy mẫu “sâu lạ” gửi Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I phân tích.
Cụ thể, kết quả phân tích, định danh tại Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản Miền Bắc (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: Loài “sâu lạ” có tên khoa học là Chloeia sp, tên tiếng Việt thường gọi là rết biển (hay còn gọi là sâu biển). Một số đặc điểm chính dễ nhận dạng của loài sâu biển đó là: Cơ thể dài khoảng 5 - 10cm, có nhiều lông chạy dọc theo hai bên thân (có tài liệu nói các lông tiết độc tố). Dọc theo sống lưng từ đầu đến cuối cơ thể có các hình tam giác và đốm tròn màu sắc khác nhau. Loài sâu biển có thể được tìm thấy trên hoặc dưới đáy cát và bùn, chúng đặc biệt thích bò lên bề mặt nước biển và thường bị thu hút bởi ánh sáng vào ban đêm.
Sâu biển là một loài săn mồi, ăn các san hô, bọt biển, hải quỳ, thủy tức, hải tiêu. Mặc dù sâu biển không có hàm, chúng có thể nuốt con mồi vừa cỡ miệng. Tại Kim Sơn đã ghi nhận được những trường hợp sâu biển ăn thịt ngao giống cỡ nhỏ (ngao tấm và ngao cúc).
Sâu biển xuất hiện tại bãi ngao huyện Kim Sơn (Ninh Bình)
Ở Việt Nam, sâu biển đã từng xuất hiện tại các vùng nuôi hải sản lồng bè ở khu vực vịnh Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) và trên một số bãi nuôi ngao, bãi biển ở miền Nam và miền Trung. Thời gian xuất hiện sâu biển nhiều thường vào mùa sinh sản của chúng (ở miền Trung thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm).
Theo ghi nhận, sâu biển thường xuất hiện ở vùng ven bờ, nơi có nhiều mùn bã hữu cơ và các vùng nước có độ mặn cao. Khi độ mặn giảm, sâu biển thường ít xuất hiện.
Để giảm thiểu thiệt hại về nuôi ngao do sâu biển gây ra, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) khuyến cáo:
- Người dân không nên thả giống ngao cỡ nhỏ (bé hơn từ 500 - 800 con/kg). Thay vào đó, nên thả giống ngao có kích thước lớn để tránh bị sâu biển ăn thịt. Khi điều kiện môi trường nuôi phù hợp, cơ quan chức năng có thể khuyến cáo người dân thả giống trở lại bình thường.
- Các hộ nuôi ngao cần chủ động, tích cực tiêu diệt sâu biển bằng các biện pháp thủ công như giăng lưới, quây đăng để bắt và diệt trừ.
- Sử dụng nguồn thắp sáng để kích thích, dẫn dụ sâu biển nổi lên mặt nước, tập trung ở một điểm, sau đó dùng lưới/vợt để bắt.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại hóa chất, thuốc không có trong danh mục được phép sử dụng, các hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc để diệt sâu biển, gây ảnh hưởng xấu tới nuôi ngao và môi trường sinh thái xung quanh.