Đây là những loài thủy sản sinh trưởng tốt trong môi trường có độ mặn cao, thích ứng với tình hình xâm nhập mặn ngày càng tăng.
Kiên Giang có diện tích bờ biển dài hơn 200km với diện tích rừng phòng hộ ven biển khá lớn. Diện tích rừng này do các ban quản lý rừng phòng hộ quản lý và được giao khoán lại cho các hộ dân chăm sóc, bảo vệ.
Theo đó, BQL Rừng phòng hộ An Biên - An Minh được giao quản lý diện tích 6.953ha, gồm rừng phòng hộ ven biển là 4.572ha, còn lại là rừng tràm.
Năm 1995, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định giao khoán đất rừng cho các hộ dân chăm sóc, khai thác nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng.
Riêng tại khu vực huyện An Biên - An Minh đã có 2.968ha rừng được giao khoán cho 876 hộ dân, trung bình mỗi hộ nhận khoán khoảng 4 - 5 ha. Tuy nhiên, do phải giữ 100% diện tích rừng, nguồn thu sản phẩm phụ từ rừng không đủ sống nên nhiều hộ dân đã lén lút phá rừng. Thấy được những bất cập này, năm 2005, UBND tỉnh Kiên Giang có quyết định mới, cho phép người dân nhận khoán được khai thác 30% diện tích đất rừng tao mặt nước nuôi trồng thủy sản, để có nguồn thu ổn định.
Ông Út Khoe (Nguyễn Văn Khoe) đã có 3 đời sống ở khu vực ven biển thuộc ấp Xẻo Quao, xã Nam Thái A, An Biên, cho biết, trước đây, khi phải giữ 100% diện tích rừng, người dân chỉ có thể nuôi sò huyết ngoài bãi và khai thác tôm, cua tự nhiên, cuộc sống khá bấp bênh. Khoảng 10 năm trở lại đây, sò được nuôi trong vuông dưới tán rừng, đồng thời kết hợp thả thêm tôm sú, cua biển, thu nhập cũng khá.
“Gia đình tui nhận khoán gần 12ha rừng, nhà nước cho phép khai thác 30% diện tích được 4ha mặt nước, nuôi kết hợp tôm sú, cua biển, sò huyết mỗi năm cũng có thu nhập vài trăm triệu đồng.
Nhưng do thời gian gần đây, độ mặn quá cao, nuôi tôm không còn hiệu quả nữa. Gia đình tôi quyết định chuyển sang nuôi sò huyết, chi phí đầu tư thả nuôi từ 20 - 25 triệu đồng/ha, chủ yếu là tiền mua con giống và công chăm sóc. Mỗi lứa nuôi trung bình từ 10 - 12 tháng, thu hoạch được 2 - 3 tấn sò huyết thương phẩm/ha, lãi khoảng 50 triệu đồng, đảm bảo cuộc sống gia đình”, ông Út Khoe tâm sự.
Tương tự, hộ ông Lê Văn Thật ở ấp 10 Biển, xã Thuận Hòa, An Minh, có 2 ha mặt nước biển dưới tán rừng, đã chuyển sang chuyên nuôi sò huyết 4 năm qua do độ mặn cao. Theo ông Thật, nuôi sò huyết không tốn quá nhiều chi phí, chủ yếu là tiền làm vuông nuôi ban đầu và mua con giống thả nuôi hàng năm.
“Mùa vụ thả nuôi sò thường bắt đầu vào khoảng tháng 2, tháng 3, khi độ mặn lên cao. Sò giống mua từ biển về vèo nuôi trong lưới đạt cỡ 3.000 con/kg bắt đầu thả ra ao nuôi và sau từ 11 - 12 tháng chăm sóc, sò đạt cỡ 80 - 100 con/kg là thu hoạch.
Trong quá trình nuôi, không để mặt ao bị khô nước, thấp nhất cũng giữ nước trong ao khoảng 10cm và mỗi khi có triều cường lại lấy nước từ biển vào, cao khoảng 40 - 50 cm. Nếu nuôi trúng, mỗi ha thu hoạch khoảng 3 tấn sò thương phẩm, giá bán từ 70 - 80 ngàn đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng”, ông Thật chia sẻ.