Sò huyết Ô Loan kích cỡ bằng ngón tay cái trung bình, còn các loại sò đang bày bán thì to hơn nhiều. Khi thắc mắc thì một người dân giải thích: “Nói thiệt với anh đây là sò huyết ở Sông Cầu (Phú Yên) và sò lông Cam Ranh (Khánh Hòa) do người khác chở ra bỏ mối cho chúng tôi bán lại, chớ sò huyết trong đầm bây giờ hiếm lắm”.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết (57 tuổi) ở xã An Ninh Đông ven đầm, trước đây ngư dân các xã An Cư, An Ninh Đông, An Hải…đến mùa sò huyết xuất hiện, từng tốp người, nhất là phụ nữ bơi sõng ra giữa đầm chỉ cần dùng chân rà bắt. Mỗi ngày thu nhập trung bình khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Có thời điểm sò huyết sinh sản nhiều, có ngày người đi bắt bán bỏ túi 500.000 đồng/người. Gần đây, sò huyết cạn kiệt, khan hiếm. Muốn bắt, ngư dân phải mang bình hơi lặn dưới nước 3-4 giờ. “Một ngày lặn ngụp ròng rã, nổi ngứa ngáy khắp người mà bắt được 2 - 3kg là may lắm”, anh Nguyễn Văn Lục, người dân xã An Ninh Đông, cho biết.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Hồ Thanh Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã An Cư ven đầm Ô Loan, thừa nhận: “Hiện các loại sò bày bán ở đây là từ các nơi khác mang đến. Mấy năm gần đây, do nguồn nước đầm bị ô nhiễm nên các loại thủy sản trong đầm chết dần. Các ngành chức năng của tỉnh đã mấy lần thả sò huyết giống nhân giống từ sò huyết bố mẹ ở đầm Ô Loan nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đặc hữu này. Tuy nhiên do bà con ngư dân cứ khai thác theo kiểu tận thu, cộng với nguồn nước trong đầm xuống cấp trầm trọng nên giờ sò huyết dần vắng bóng”.
Do cửa biển An Hải không mở nên nước trong đầm không thoát được. Bên cạnh đó, các điểm sơ chế sứa thủ công, vỏ sò, vỏ hàu... sau khi làm xong cứ đổ hết chất thải xuống đầm làm cho nguồn nước ngày càng bị hủy hoại. Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, quyền Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho hay: “Hiện đã có dự án khai thông cửa biển An Hải nhưng giai đoạn đầu đang thi công tiểu dự án cầu Long Phú, sau đó mới thi công tiếp. Đây là một dự án lớn do Sở NN-PTNT tỉnh làm chủ đầu tư phải triển khai nhiều hạng mục trong thời gian nhiều năm”.