Tại buổi đối thoại, Th.s Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản chia sẻ, Sóc Trăng có 18 nhà máy chế biến thủy sản, trong đó có 7 nhà máy đứng đầu cả nước trong lĩnh vực thu mua chế biến thủy sản xuất khẩu. Và theo tìm hiểu thực tế tại các nhà máy trên thì nhu cầu xuất khẩu mặt hàng tôm đạt các chứng nhận ASC là rất lớn, do vậy đã có nhà máy yêu cầu xây dựng vùng nguyên liệu tôm sản xuất theo tiêu chuẩn xuất vào thị trường châu Âu với diện tích 1.000ha.
Tuy nhiên, để tạo sự liên kết thuận lợi cũng như tạo chữ tín ban đầu trong việc ký kết cùng doanh nghiệp, Chi cục Thủy sản mong muốn các hợp tác xã cùng nhau liên kết tạo ra vùng nuôi tôm nước lợ theo đúng quy trình kỹ thuật để cung ứng hàng cho phía đối tác với diện tích ban đầu là 500ha và sẽ mở rộng diện tích theo hướng tăng dần để tạo ra số lượng lớn sản phẩm.
Hội đồng quản trị các hợp tác xã tham gia buổi đối thoại rất phấn khởi khi được các nhà máy quan tâm tạo điều kiện để hợp tác cùng hợp tác xã; các thông tin từ ngành chuyên môn chuyển tải sẽ tiếp thu phổ biến lại cho thành viên cùng nhau bàn bạc đi đến thống nhất liên kết lại các hợp tác xã sản xuất theo một quy trình nhất định, nhằm tạo ra sản phẩm tôm nuôi sạch, nâng dần lên thành tôm nuôi hữu cơ, phục vụ tốt nhu cầu cần của các nhà máy…
Mục đích của cuộc đối thoại giữa dự án và các hợp tác xã nhằm tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã lại tạo ra sản phẩm tôm sạch, đảm bảo chất lượng đáp ứng thị trường xuất khẩu đến các nước châu Âu cũng như tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, phát triển nghề nuôi tôm bền vững, tạo đầu ra ổn định cho con tôm sạch, nâng cao việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm, tăng lợi nhuận cho thành viên hợp tác xã…