Số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ 53.511 ha, sản lượng 206.334 tấn, kim ngạch xuất khẩu 905 triệu USD.
Như thế, năm 2023 ở ĐBSCL có 4 tỉnh nuôi tôm diện tích lớn nhất, thì Sóc Trăng đứng thứ tư. Cà Mau đứng đầu với 278.365 ha, Bạc Liêu thứ hai với 143.000 ha, Kiên Giang thứ ba với 136.241 ha và Sóc Trăng thứ tư với 53.511 ha.
Nhưng về sản lượng tôm, tỉnh Sóc đứng thứ ba. Đứng đầu là Bạc Liêu với 247.143 tấn, Cà Mau thứ hai với 233.000 tấn, Sóc Trăng đứng thứ ba với 206.334 tấn, Kiên Giang thứ tư với 121.000 tấn.
Có sự thay đổi vị trí giữa diện tích và sản lượng bởi phương thức nuôi cho năng suất khác nhau. Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất và trong đó tôm-rừng cũng lớn nhất, đến 40.500 ha với năng suất thấp (bên cạnh còn diện tích tôm-lúa, tôm quảng canh lớn mà năng suất thấp) nên sản lượng chỉ đứng thứ hai. Bạc Liêu có diện tích đứng thứ hai nhưng lại có diện tích nuôi siêu thâm canh lớn nhất, đến 6.624 ha với năng suất rất cao, nên sản lượng đứng đầu. Kiên Giang có diện tích đứng thứ ba nhưng chủ yếu là tôm-lúa (chiếm 78%) với năng suất thấp nên sản lượng đứng thứ tư. Còn Sóc Trăng diện tích chỉ xấp xỉ 40% của Kiên Giang nhưng chủ yếu nuôi thâm canh và bán thâm canh nên sản lượng gấp 1,7 lần Kiên Giang, vươn lên đứng thứ ba.
Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết cụ thể, năm 2023, diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 94,4% tổng diện tích nuôi (hơn 50.514 ha/53.511 ha), tỷ lệ cao nhất cả nước. Trong lúc, Cà Mau nuôi thâm canh và siêu thâm canh chỉ 6.609 ha (trong tổng diện tích nuôi 278.365 ha), Bạc Liêu nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh 29.400 ha (tổng diện tích 143.000 ha), Kiên Giang nuôi thâm canh và bán thâm canh 4.341 ha (tổng diện tích 136.241 ha).
Tập trung nuôi thâm canh và bán thâm canh, theo Sở NN&PTNT Sóc Trăng, người nuôi tôm đã quan tâm và thực hiện nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh trong quá trình nuôi. Kết quả, tỷ lệ thiệt hại do dịch bệnh được khống chế dưới 4,7% xấp xỉ so với năm 2022. Cho nên, dù diện tích nuôi năm 2023 do nhiều khó khăn đã giảm hơn 1,76% so với năm 2022 nhưng sản lượng vẫn đạt 206.334 tấn, tăng 7,42%. Trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.071 ha với sản lượng 184.752 tấn và tôm sú 13.440 ha với 21.582 tấn.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã nhấn mạnh, người nuôi tôm có nhiều kiến thức trong áp dụng công nghệ kỹ thuật ngày một phát triển, quản lý tốt trong khâu chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tôm nuôi, công tác bảo vệ môi trường nói chung. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế, điển hình là về công tác cấp, cấp lại giấy xác nhận đăng ký nuôi tôm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ, đến nay mới cấp được 10,14% tổng số hộ nuôi, do khó khăn chủ yếu liên quan đến thủ tục quyền sử dụng đất.
Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2024 của Sóc Trăng, tiếp tục cơ cấu lại ngành tôm theo hướng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số, tăng giá trị sản xuất ngành hàng tôm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước đưa Sóc Trăng thành trung tâm nuôi tôm của ĐBSCL. Mục tiêu cụ thể, nuôi 50.820 ha, giảm gần 10% so với năm 2023 nhưng sản lượng 212.000 tấn, tăng gần 3%, gồm tôm sú 23.800 tấn và tôm thẻ chân trắng 188.200 tấn.