Trong thời gian gần đây nuôi trồng thủy sản vùng ven biển rất được chú trọng và phát triển. Tuy nhiên các đối tượng được áp dụng nuôi chưa đa dạng, chủ yếu là tôm sú nhưng dịch bệnh, môi trường và thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước ngày càng gay gắt tạo ra nhiều trở ngại, thách thức.
Nuôi cua biển cũng được áp dụng phát triển với nhiều hình thức như: nuôi kết hợp mô hình tôm rừng; trong ao đầm sau vụ nuôi tôm với hình thức bán thâm canh. Do cua là loài tăng trọng nhanh, giá trị kinh tế dễ dàng bảo quản sau thu hoạch và bên cạnh đó thị trường tiêu thụ mạnh cả trong và ngoài nước.
Với nhu cầu của việc nuôi cua biển thương phẩm con giống là một nỗi lo của người dân bởi chủ yếu giống cua được đánh bắt từ tự nhiên là chính. Dẫn đến khai thác quá mức gây ra tình trạng khan hiếm nguồn giống, xu hướng sản xuất giống cua nhân tạo bắt đầu được quan tâm nhằm thích nghi với tình hình nói trên.
Hiện nay bước đầu đã thành công, đáng khích lệ như tỷ lệ sống trong sản xuất cua nhân tạo đạt từ 8,5-16%. Trong sản xuất cua giống, thức ăn và kĩ thuật là một vấn đề rất quan trọng. Mặc dù kỹ thuật sản xuất thức ăn nhân tạo đã trở nên phổ biến nhưng thức ăn tươi sống như Copepoda, Artemia, tảo, luân trùng,...vẫn được xem là thức ăn quan trọng và tiềm năng trong sản xuất giống. Bởi thức ăn tự nhiên chứa một lượng lớn acid amin tự do, mạch lipid đơn, acid béo cao phân tử không no, chứa hệ men tự nhiên giúp gia tăng phân giải dưỡng chất, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho động vật thủy sản.
Artemia
Artemia một lựa chọn được nhiều nơi sản xuất giống thủy sản. Đặc biệt là sản xuất tôm giống. Đáng nói ở đây là sản lượng trứng Artemia trên thế giới giảm sút nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, dịch bệnh,...gây khó khăn trong quá trình sản xuất giống thủy sản. Một giải pháp mới cho vấn đề này là sử dụng copepoda thay thế cho Artemia do có kích thước nhỏ, giá trị dinh dưỡng và hàm lượng protein tương đối cao, chứa nhiều acid amin, các acid béo thiết yếu, đồng thời hàm lượng enzyme tiêu hóa cao nên rất thích hợp cho nhu cầu dinh dưỡng của ấu trùng các loài động vật thủy sản.
Mặc khác copepoda có phương thức di chuyển theo đường zíc zắc nên ấu trùng của nhiều loài thủy sản dễ dàng phát hiện. Vì những điều trên sử dụng copepoda là một lựa chọn mới trong sản xuất ấu trùng cua biển.
Với mục tiêu sử dụng thức ăn tươi sống là giáp xác chân chèo thay thế Artemia trong sản xuất giống cua biển, nhằm đánh giá khả năng sử dụng giáp xác chân chèo trong ương cua biển và ứng dụng trong sản xuất giống cua biển, nghiên cứu đã được thực hiện tại khoa Thủy Sản - trường đại học Cần thơ cho cho thấy được hiệu quả.
Cụ thể nghiên cứu đã thực hiện trong bể composite thể tích 30 lít với 4 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm thực hiện với 3 nghiệm thức, bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Sau một thời gian quản lí và chăm sóc cũng như theo dõi các chỉ tiêu môi trường, tăng trưởng và tỉ lệ sống cho ra kết quả như sau: khi thay thế 50% Artemia bằng Copepoda (Schmackeria dubia và Apocyclops degizicus) các chỉ tiêu tăng trưởng chiều dài, chỉ số biến thái và tỷ lệ sống không khác biệt so với khi sử dụng hoàn toàn Artemia. Khi thay thế 100% Artemia bằng Copepoda (Schmackeria dubia và Apocyclops degizicus) tỷ lệ sống khác biệt so với khi sử dụng hoàn toàn Artemia.
Copepoda
Như vậy, việc thay thế Artemia bằng giáp xác chân chèo trong ương ấu trùng cua biển sẽ là cơ sở cho quá trình sản xuất giống các loài động vật thủy sản đặc biệt là cua biển. Mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhằm nâng cao năng suất, tăng sản lượng trong sản xuất cua giống trong tình hình hiện nay đáp ứng được nhu cầu cho xã hội cũng như là hành trình nâng tầm chất lượng con giống thủy sản Việt Nam.