Chính vì vậy mà hàng ngàn ngư dân sắm bè mảng và dụng cụ để vươn khơi đánh bắt.
Thâu đêm khai thác
Theo ngư dân vùng biển Diễn Châu (Nghệ An) thì mùa khai thác sứa bắt đầu từ tháng giêng cho đến hết tháng tư âm lịch. Vào khoảng thời gian này sứa về nhiều, chỉ cần dong thuyền ra 3 - 4 hải lý là có thể thả lưới đánh bắt sứa.
Ngư dân khai thác sứa trở về bến, nhập cho cơ sở chế biến
Anh Phạm Xuân Nghĩa ở xóm Xuân Châu, xã Diễn Kim cho biết, ngay từ trong Tết Đinh Dậu, hàng trăm ngư dân trong xã đã sắm thuyền mảng và ngư cụ để vươn khơi đánh bắt sứa. Anh Nghĩa bật mí rằng: Giờ vàng của đánh bắt sứa là khoảng nửa đêm trở về sáng. Thời gian này sứa nổi trên mặt nước di chuyển thành luồng và trôi theo dòng. Khi đó ngư dân xác định hướng di chuyển của sứa để thả lưới đón đầu và vớt lên thuyền.
Nghĩa cho biết: Khai thác sứa là một nghề hái ra tiền, nhưng đây cũng là một nghề cực kì vất vả. Công đoạn thả lưới cũng phức tạp. Chiếc lưới dài hơn 2km , trông thì đơn giản nhưng nếu không cẩn thận sẽ thả chồng lên lưới của nhà khác thì phải tốn công thu lưới về và thả lại lần nữa.
Tiếp đến, vớt sứa đều phải vớt bằng tay, mỗi ngày, các ngư dân phải ngâm đôi tay của mình dưới nước rất nhiều tiếng đồng hồ. Thân sứa trơn và mang theo cả nước biển nên rất nặng. Trung bình mỗi con sứa khoảng 15 - 20kg, có con to lên đến 1 tạ nên kéo được nó lên thuyền rất vất vả. Thêm vào đó, sứa tiết ra chất độc gây ngứa ngáy nổi mề đay rất khó chịu. Nếu ai không đủ sức khỏe, da nhạy cảm dễ bị dị ứng thì không thể theo đánh bắt được sứa.
Những ngư dân ở Diễn Kim cho biết, nếu gặp thuận lợi thì thời gian đánh bắt khoảng 7 - 8 tiếng đồng hồ các bè mảng sẽ đầy ắp sứa. Bình quân mỗi ngày, một bè mảng đánh bắt được từ 700kg đên hơn 1 tấn sứa. Với giá sứa hiện nay 14 - 15 ngàn đồng/yến thì bình quân một bè mảng 1 ngày thu về từ 500 nghìn đến hơn 1 triệu đồng. Anh Nghĩa tâm sự: “Có ngày vợ chồng tôi bắt được hơn tấn, nhập cho cơ sở chế biết sứa xuất khẩu tại bờ được gần 1 triệu đồng. Nhờ sứa mà từ đầu mùa tới nay, gia đình tôi thu được hơn 30 triệu đồng”.
Vàng trắng xuất ngoại
Có mặt tại biển Diễn Kim, chúng tôi thấy hàng chục chiếc thuyền mảng chở đầy sứa cập bến và được các cơ sở chế biến mua ngay tại chỗ.
Ông Phạm Xuân Bảy ở xóm Tiền Tiến phấn khởi cho biết: "Trước đây những con sứa biển luôn khiến ngư dân tránh xa vì lo rách lưới nay bỗng chốc hóa thành “vàng trắng”, được chế biến đóng gói xuất khẩu. Đánh bắt đưa lên bờ là có người mua. Không những thế, chủ các cơ sở này còn đầu tư vốn từ 5 - 10 triệu đồng cho một hộ ngư dân để đóng bè mảng đánh bắt và bán sản phẩm lại cho mình. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân chúng tôi vươn khơi đánh bắt và có thu nhập cao".
Huyện Diễn Châu hiện có 7 cơ sở chế biến sứa tại các xã Diễn Kim, Diễn Hải và Diễn Thịnh. Những cơ sở này bao tiêu sản phẩm cho bà con ngư dân, trong đó có 3 cơ sở chế biến sứa có công suất hoạt động tới 300 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Văn Khánh, chủ cơ sở chế biến sứa Khánh Vinh đóng tại xã Diễn Kim cho biết: "Sau khi sơ chế phân loại, sứa được đưa vào máy quay li tâm cho hết nhớt và làm sứa cứng lại, thải hết tạp chất. Sau đó được đưa ra dây chuyền làm sạch. Không chỉ chế biến ở dạng thô mà cơ sở chúng tôi còn sản xuất sứa ăn liền với nhiều loại khác nhau được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Sứa đã qua chế biến có giá cao gấp nhiều lần so với sứa thô, dao động từ 40.000 - 45.000 đồng/kg. Từ đầu mùa tới nay, chúng tôi đã xuất bán được khoảng hơn 1.000 tấn sứa. Tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động”.
Nhờ dám đầu tư, những “tỷ phú sứa” như vậy đã không còn hiếm ở Diễn Châu… Những cơ sở này đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Chị Lê Thị Hiền, một nhân công cho biết: "Bọn em làm việc cho cơ sở chế biến sứa Khánh Vinh. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập ổn định. Trung bình thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Khi làm tăng ca thì tiền nhiều hơn”.
Theo báo cáo chung, mỗi năm các cơ sở chế biến sứa của Diễn Châu xuất ra thị trường hơn 6.000 - 7.000 tấn tấn sứa các loại, mang về nguồn thu hơn 100 tỷ đồng. Sản phẩm sứa đã qua chế biến của Diễn Châu chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc...