Nhiều tàu cá mắc cạn
Cuối tháng 1/2014, có mặt tại cửa biển ra vào cảng cá Tam Quan, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, chúng tôi ghi nhận có đến hơn 10 trường hợp tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân xuất bến hoặc tàu vào khu neo đậu để xuất bán cá, tiếp nhiên liệu bị mắc cạn. Đến chiều tối, dù thủy triều lên cao nhưng hàng chục tàu cá đành “thúc thủ” bên trong do luồng lạch không đảm bảo độ sâu để tàu lưu thông.
Chiều 22/1, tàu cá BĐ 90511-TS có công suất 450CV, hành nghề lưới vây xuất phát tại cảng cá Tam Quan để ra khơi đánh bắt. Khi tàu vừa qua khu vực cửa biển Tam Quan thì bị mắc cạn, mất lái, trôi tự do, sau bị sóng đánh vỡ hoàn toàn. Rất may, 9 ngư dân trên tàu đã được người dân địa phương kịp thời cứu vớt. Trước đó vài giờ, tàu cá QNg 94544-TS của ông Đặng Văn Seo (trú ở Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào cảng Tam Quan để bán cá ngừ đại dương thì bất ngờ bị mắc cạn tại cửa biển. Nhờ tàu cá của ngư dân tại địa phương ứng cứu lai dắt, tàu được đưa vào bờ an toàn. Ngày 10/1, tàu cá BĐ 96419-TS, công suất 400CV của ông Trần Văn Sơn (ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc) cũng bị mắc cạn tại cửa biển Tam Quan. Vụ mắc cạn khiến tàu cá bị phá nước, gãy láp, thiệt hại ước trên 300 triệu đồng.
Ông Trần Thanh Châu, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, chủ sở hữu tàu BĐ 96191-TS có công suất 420CV, hành nghề câu cá ngừ đại dương, ngán ngẩm hết nhìn cửa biển lại nhìn tàu, nói: “Năm hết, Tết đến, cố gắng đưa tàu ra khơi đánh bắt để có thu nhập. Nhưng cửa biển bị bồi lấp nặng nên tàu chỉ còn biết nằm bờ”.
Không chỉ ông Châu mà nhiều ngư dân khác cũng đứng ngồi không yên. Bạn chài Huỳnh Dũng bộc bạch: “Đi bạn, mỗi ngày ra khơi trừ chi phí cũng kiếm được 200.000 - 300.000 đồng. Giờ cửa biển bồi lấp, tàu làm ăn “bữa đực bữa cái”, đời sống vốn khó giờ lại càng thêm căng thẳng”. Ngư dân Đỗ Văn Liền, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, nói: “Chưa bao giờ cửa biển Tam Quan bồi lấp như hiện nay và tốc độ bồi lấp nhanh quá. Chuyện tàu gãy láp ngay khi thủy triều ở đỉnh điểm đã diễn ra thường xuyên”.
Theo thống kê của ngư dân địa phương, mấy năm gần đây, mỗi năm có hơn 30 vụ tàu, thuyền mắc cạn tại khu vực này. Nhẹ thì trục vớt, cứu được phương tiện, còn nặng thì tàu bị sóng đánh vỡ, vùi trong cát. Mỗi lần tàu bị mắc cạn không những gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của ngư dân mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới kế hoạch chuyến biển, doanh thu của tàu.
Nạo vét chỉ là giải pháp tạm thời
Đó là nhận định của phần lớn ngư dân địa phương. Lão ngư Trần Thanh Châu bày tỏ: Cửa biển Tam Quan bị bồi lấp làm hơn 1.000 tàu, thuyền của ngư dân trong huyện, trong đó có hàng trăm chiếc tàu xa bờ công suất 90CV trở lên, gặp khó khăn. Để giúp bà con an tâm bám biển, giữ ngư trường, chính quyền địa phương cũng quan tâm nạo vét, khơi thông cửa biển; nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Từ đầu tháng 1 đến nay, đơn vị thi công đã nạo vét, đưa lên bờ trên 3.000m3 cát trong tổng số khoảng 37.000m3 cát bồi lấp. Việc nạo vét gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu, sóng biển lớn và do sự thay đổi của dòng chảy. Mặt khác, số vốn đầu tư để làm việc này không nhỏ, ngân sách địa phương khó đảm đương được, vì thế phải chờ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Thời gian qua, được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, huyện, địa phương đã đầu tư 1,443 tỉ đồng để nạo vét, khơi sâu luồng lạch. Tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời”.
Sau nhiều ngày bị mắc cạn tại cửa biển Tam Quan, đến ngày 2/2, tàu cá BĐ 95011-TS của ông Võ Đây (thôn Trường Xuân Đông, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) đã bị sóng đánh chìm, toàn bộ thân tàu bị vỡ hoàn toàn. Sau khi bị sóng đánh chìm, tàu cá trôi dạt vào bờ biển thuộc phía Nam bãi Con của núi Trường Xuân (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn); thiệt hại khoảng 1,5 tỉ đồng.