Trong đó, đặc biệt lưu ý đến nhóm tàu mất kết nối và tàu “3 không” - không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác hải sản. Tính đến tháng 12/2023, cả nước còn trên 16.600 tàu cá “3 không” và rất nhiều tàu cá mất kết nối mà các địa phương ven biển đang tập trung giải quyết, điển hình ở tỉnh Thái Bình và Quảng Ninh.
Thái Bình còn hơn 23% tàu mất kết nối
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình, tỉnh có 725 tàu cá đăng ký trên hệ thống VNFishbase, và 677 tàu đã được cấp giấy phép khai thác, đạt 93,37%. Số tàu hoạt động có lắp thiết bị giám sát hành trình chỉ 173 tàu nhưng nhiều tàu lại để mất kết nối. Kiểm tra ngày 17/1/2024, còn có 40 tàu mất kết nối dài ngày, chiếm hơn 23%; gồm 25 tàu mất kết nối 6 tháng (hơn 14%) và 15 tàu mất kết nối 1 năm (hơn 8%). So với tháng 3/2023, tỷ lệ tàu mất kết nối hầu như không có chuyển biến tốt lên, lúc đó tàu mất kết nối cũng trên 23% gồm tàu mất kết nối trên 6 tháng là 13% và mất kết nối trên 1 năm là 10%.
Theo Luật Thủy sản năm 2017, tàu trên 15m phải lắp thiết bị giám sát hành trình và duy trì hoạt động của thiết bị để đảm bảo kiểm soát của cơ quan quản lý, đặc biệt là kiểm soát tàu ra vào cảng chỉ định. Đồng thời phải ghi nhật ký khai thác để đảm bảo truy xuất nguồn gốc hải sản.
Việc ghi nhật ký khai thác của tàu cá ở tỉnh Thái Bình cũng còn nhiều hạn chế. Một số chủ tàu chỉ ghi “hồi ký” thay vì nhật ký hoặc đánh bắt dài ngày nhưng chỉ ghi một vài ngày. Giữa tháng 1/2024, Cục Kiểm ngư lấy mẫu trong đội tàu từ 15m trở lên để kiểm tra, cho biết tỷ lệ ghi nhật ký khai thác đạt yêu cầu mới khoảng 20%.
Làm việc với UBND tỉnh Thái Bình ngày 17/1/2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nói: “Chỉ một tàu, một địa phương không tuân thủ các khuyến nghị của EC là có thể ảnh hưởng tới quá trình gỡ thẻ vàng IUU.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với UBND tỉnh Thái Bình ngày 17/1/2024
Khi đánh bắt 1kg cá cũng phải ghi nhật ký nên đề nghị tỉnh Thái Bình tập trung nguồn lực để quản lý, giám sát chặt chẽ đội tàu. Tàu hoạt động trên biển và cả khi về bờ đều phải bật thiết bị giám sát hành trình để được quản lý. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, các địa phương cần tuân thủ đầy đủ khuyến nghị của EC”.
Quảng Ninh sẽ đưa tàu “3 không” lên bờ
Đến tháng 12/2023, tỉnh Quảng Ninh còn có 1.188 tàu cá “3 không”, lớn nhất cả nước. Hiện Quảng Ninh mới đăng ký quản lý và theo dõi được 5.577 tàu cá; gồm 1.425 tàu dưới 6m, 3.414 tàu từ 6m đến dưới 12m, 492 tàu từ 12m đến dưới 15m và 246 tàu từ 12m trở lên.
Nguyên nhân, theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, còn nhiều vướng mắc trong hồ sơ thủ tục. Tỉnh có 22 cơ sở đóng mới, sửa chữa và cải hoán tàu cá nhưng chỉ 5 cơ sở đủ điều kiện hoạt động đã được Sở NN&PTNT công bố. Do đó, nhiều tàu không có giấy chứng nhận xuất xưởng theo quy định, không có văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá của Sở NN&PTNT, ngư dân tự mua máy cũ trôi nổi trên thị trường mà không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, người dân tự ý cải tạo và nâng cấp tàu cá không báo cáo...
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh tập trung kiểm soát chặt các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Sở NN&PTNT bố trí cán bộ nghiệp vụ xuống cơ sở để giúp đỡ, hướng dẫn các địa phương rà soát, thống kê và thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Các ngành liên quan được giao nhiệm vụ xử lý tàu cá “3 không”.
Quảng Ninh đặt mục tiêu trong quý I/2024 sẽ đăng ký 100% số tàu đủ điều kiện hoạt động lâu dài, các trường hợp không đủ điều kiện sẽ thực hiện đăng ký tạm. Hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá trước ngày 30/3/2024 và sang tháng 4/2024 sẽ xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh: Từ ngày 1/4/2024, tàu cá nào chưa đăng ký, đăng kiểm sẽ bị đưa lên bờ, không cho phép hoạt động. Các lực lượng chức năng tập trung xử phạt nghiêm minh, đúng pháp luật những tàu cá không có đăng ký, đăng kiểm mà vẫn hoạt động.