Tàu cá của ngư dân Tiền Giang mang số hiệu TG-92117-TS, do anh Phạm Quang Thắng, sinh năm 1980 làm thuyền trưởng, đang đánh bắt cá trên biển Trường Sa. Sau khi đánh bắt được một số cá hồng tại đảo Đá Đông, chín trong số 10 thuyền viên của tàu đã ăn loại cá này, duy chỉ có một thuyền viên không ăn do trước đó đã từng bị ngộ độc cá hồng.
Sau khi phát hiện cả tàu bị ngộ độc, các ngư dân đã cập đảo Đá Tây và khám chữa bệnh ở đó một đêm, nhưng tình trạng ngộ độc vẫn không thuyên giảm. Biết thông tin đang có tàu Bệnh viện hiện đại nhất của Việt Nam đang thực hiện hải trình khám chữa bệnh ở quần đảo Trường Sa, thuyền trưởng Phạm Quang Thắng đã tìm cách liên lạc với tàu và cầu cứu sự giúp đỡ. Vào 6 giờ 30 ngày 27-5, tàu Bệnh viện HQ561 đã tiếp cận và cấp cứu kịp thời cho các ngư dân.
Theo bác sĩ Khương Văn Chữ, Phó phòng Quân y, Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn bác sĩ tham gia chuyến khám chữa bệnh trên tàu Bệnh viện HQ561, triệu chứng của các thuyền viên khi được cấp cứu là bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần, đau tê khắp người, đặc biệt là chân tay, đau ngực, khó thở...
Trong số họ, có hai trường hợp bị nặng phải hồi sức cấp cứu. Đó là ngư dân Dương Văn Hiếu, sinh năm 1994, và Phạm Minh Tuấn, sinh năm 1987, đều trú tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Hai bệnh nhân này bị tụt huyết áp, mạch chậm chỉ còn 38-40/phút, có khả năng nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ đã kịp thời truyền dịch, tiêm thuốc trợ tim... Ba tiếng sau, sức khỏe của hai thuyền viên này đã ở mức an toàn. Các thuyền viên khác cũng được khám và cấp thuốc kịp thời.
Sau khi cấp cứu thành công cho chín ngư dân, tàu HQ561 còn chu cấp cho các thuyền viên một con gà và 1,5kg thịt để nấu cháo. Vì với tình trạng tiêu chảy như thế, nếu các ngư dân tiếp tục ăn đồ biển thì sẽ không khỏi bệnh được, bác sĩ Khương Văn Chữ giải thích. Các thuyền viên trên tàu đánh cá hết sức cảm động vì họ đã may mắn được cứu giúp kịp thời, giúp họ yên tâm đánh bắt thủy sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước.
Cần nghiên cứu về loài cá hồng
Cũng theo bác sĩ Khương Văn Chữ và một số người có kinh nghiệm đi biển, cá hồng là một loài cá ăn rất thơm và ngon, nên được các ngư dân rất thích. Không phải loài các hồng nào cũng có độc tố, cũng như không phải cá hồng đánh bắt trên vùng biển nào cũng có độc. Theo kinh nghiệm, cá hồng được đánh bắt ở vùng biển đảo Đá Đông, đảo Tốc Tan thường hay mang độc, có thể là do loài cá này ăn phải san hô có chứa chất gây độc. Có một số loài cá khác cũng có chất độc như cá sủ, cá nóc...
Ngư dân ăn phải cá hồng có chất độc thường bị mất sức lao động, chưa nói đến là có thể nguy hiểm đến tính mạng, nếu không được cứu chữa kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo rằng, nếu ngư dân bị ngộ độc cá nói chung và loài cá hồng nói riêng nên đến đảo gần nhất để được quân y đảo cấp cứu nhằm hồi phục sức khỏe, chứ không nên chủ quan, coi thường tình trạng ngộ độc của mình.
Bác sĩ Chữ cũng đề nghị nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho các ngư dân biết loài cá nào độc và vùng nào cá thường bị nhiễm độc. Về lâu dài, ngành hải sản cần vào cuộc nghiên cứu để tìm nguyên nhân và khoanh vùng các nơi cá hồng bị nhiễm độc.
Dìu hai ngư dân bị ngộ độc nặng lên xuồng trở về tàu.