Gần 50 tấn cá lồng và 300 kg cá tự nhiên chết bất thường tại xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa khiến dư luận nghi ngờ việc cá chết là do chất thải độc hại.
Theo kết quả ban đầu, nguyên nhân khiến gần 50 tấn cá lồng chết tại xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa là do hiện tượng tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ.
Qua xác minh, mẫu nước tại khu có cá lồng bị chết số lượng tảo đạt mật độ khoảng 8 triệu tế bào/1 lít nước biển khiến mất ô xy đột ngột làm cá chết. Mẫu nước lấy tại khu vực Cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phát hiện loài tảo độc này nhưng chỉ đạt 500.000 tế bào/1lít nước biển. Riêng 300 kg cá tự nhiên chết bất thường tại một số xã của huyện Tĩnh Gia vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết.
Ông Lê Văn Bình Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ngày 12/9, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường đã cử đoàn công tác vào Thanh Hóa để giúp khảo sát, đánh giá lại chất lượng nước biển ở khu vực cá chết, hiện vẫn đang tác nghiệp tại xã đảo Nghi Sơn và chưa có kết luận cuối cùng”.
Liên quan đến việc xử lý 400 tấn chất thải từ Formosa Hà Tĩnh, Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn đã chấm dứt hợp đồng xử lý chất thải nguy hại đối với Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh từ ngày 5/9/2016. Do số chất thải trên đang là tang vật của vụ án bàn giao trái phép chất thải, Công an tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang điều tra làm rõ, nên Công ty cổ phần Môi trường Nghi Sơn đã chấm dứt hợp đồng này và tới nay vẫn chưa có chất thải nào từ Hà Tĩnh được chuyển ra Thanh Hóa xử lý.
Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Chúng tôi xin khẳng định rằng, Thanh Hóa chưa nhận 1 kg nào từ khu Formosa Hà Tĩnh”.
Đối với việc bắt tàu xả bùn thải của Công ty TNHH Hiệp Thành tại vùng biển giáp ranh Nghệ An - Thanh Hóa vào ngày 8/9. Qua đó, Công ty này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận chủ trương thực hiện vận chuyển bùn thải từ việc nạo vét tại khu khu vực bến Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn (xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đi xử lý.
Tuy nhiên, hồ sơ hoàn tất để được thực hiện việc đổ thải hiện vẫn chưa hoàn thành. Do đó, việc đổ bùn thải là sai quy định, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Hiện mẫu bùn thải đang được tiến hành xét nghiệm để đánh giá tác động môi trường.
Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa có 67 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như lọc hóa dầu, nhiệt điện, xi măng... và hầu hết các đơn vị này đều có đánh giá tác động môi trường khi đi vào sản xuất.
Các đơn vị này đều có báo cáo cụ thể về việc thực hiện giám sát môi trường 2 lần/năm và được đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, tại khu vực này vẫn chưa có khu xử lý nước thải tập trung nên vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường.
Ông Lê Văn Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Hiện các doanh nghiệp đã có đánh giá tác động môi trường, nhưng khu xử lý nước thải tập trung chưa có. Các doanh nghiệp vẫn tự vận hành xử lý thải và xả thải theo quy định cho phép. Chúng tôi đã có tăng cường kiểm tra và đã có xử lý vi phạm hành chính với đơn vị vi phạm”.
Như vậy, với những căn cứ kết luận về hàng loạt sự kiện vừa qua của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã lý giải được phần nào những thắc mắc của dư luận.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng xác đáng việc cá chết có liên quan tới chất thải độc hại tại Nghi Sơn. Hơn nữa, tới thời điểm này, việc kinh doanh, sản xuất cá tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vẫn ổn định./.