Chủ động nguồn giống nuôi thử nghiệm
Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt, anh Cao Văn Tới (trú xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) chủ yếu nuôi các loại cá trê lai, cá mè, cá trắm cỏ, cá diêu hồng... Đây là những loại cá dễ nuôi, ít vốn và mang lại lợi nhuận lớn.
Song, đến tháng 6/2019, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, anh mới mạnh dạn đầu tư thử nghiệm mô hình nuôi cá thát lát. Dù gặp khó khăn nhưng lứa cá đầu tiên của anh Tới vẫn đạt được kết quả khả quan.
Nhằm tạo nguồn sản phẩm đa dạng, anh còn đầu tư xây dựng nhà xưởng với hệ thống máy móc hiện đại để làm chả cá thát lát. Trung bình mỗi tháng, anh Tới sản xuất khoảng 1,2 tấn chả cá cung cấp ra thị trường. Bên cạnh lượng cá nuôi, để có đủ nguyên liệu làm chả, anh Tới thu mua cá tươi của các hộ ở 2 xã Hòa Khương và Hòa Phong, tạo đầu ra ổn định cho người dân.
Hiện sản phẩm của anh Tới đang được tiêu thụ trên các kênh online, cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng... Sắp đến, anh Tới sẽ tiếp tục đầu tư, cải tiến bao bì, nhãn mác để tạo dựng thương hiệu chả cá thát lát sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp đến người tiêu dùng.
Tương tự, là một trong 4 hộ dân được chọn nuôi cá thát lát thử nghiệm, chị Nguyễn Thị Quý (thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) cho biết, sau khi nhận được hỗ trợ 2.000 con cá giống từ Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm (thuộc Sở NN&PTNT), chị đã tiến hành nuôi thả trong lưới với diện tích 3x5m.
Sau gần 8 tháng nuôi, vào thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, từ nguồn cá thát lát thu hoạch, chị Quý tự làm hơn 1 tạ chả cá thủ công (mỗi kg chả tương đương 2 kg thịt cá) với giá bán 200.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, chị thu về khoảng 20 triệu đồng.
Để làm ra loại chả ngon, được nhiều người ưa thích, chị Quý chỉ chọn những con cá thát lát có trọng lượng từ 0,7kg trở lên và trong quá trình chế biến không thêm nguyên liệu khác. Hiện trong lưới nuôi của chị Quý còn khoảng 1.200 con, dự kiến sẽ xuất bán vào tháng 5 âm lịch.
Được biết, từ năm 2019, Trại thực nghiệm Hòa Khương (thuộc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm) bắt đầu thực hiện mô hình thực nghiệm ươm nuôi cá thát lát từ cá bột (cá vài ngày tuổi - PV) lên cá giống. Đến năm 2020, sau khi nắm vững kỹ thuật và hoàn thiện quy trình, từ 70.000 con cá bột ban đầu, trại đã ươm nuôi thành công được 14.000 con cá giống với kích thước 8-10 cm. Đơn vị đã tiến hành khảo sát điều kiện ao nuôi thực tế trên địa bàn, hỗ trợ, chuyển giao quy trình kỹ thuật, giống, men vi sinh... cho một số hộ dân.
“Việc ươm nuôi thành công cá bột lên cá giống góp phần giải quyết bài toán về nguồn giống tại chỗ, đáp ứng nhu cầu nuôi cá cho bà con nông dân, giảm được chi phí đầu vào. Trong tháng 5, trại sẽ tiếp tục cung cấp khoảng 10.000 cá giống thát lát được ươm nuôi cho người dân trên địa bàn”, Trại trưởng Trại thực nghiệm Hòa Khương Huỳnh Đức Trung nói.
Giải quyết bài toán đầu ra
Bà Đặng Thị Yến Khanh, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang thông tin, cá thát lát là giống cá mới đang được triển khai nuôi tại địa phương. Do thời gian nuôi lâu, nhiều ao chưa bảo đảm điều kiện, thời tiết ảnh hưởng... nên mô hình chỉ mới được một số hộ dân nuôi thử nghiệm, chưa được mở rộng.
Trong thời gian đến, Phòng NN&PTNT huyện sẽ phối hợp Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân duy trì, nhân rộng mô hình nuôi cá theo hướng an toàn sinh học, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch và phát triển bền vững. Đồng thời, tham mưu UBND huyện bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ vật tư, đầu tư trang thiết bị, máy móc để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Ngô Thị Kim Cương, cá thát lát là loại có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tại địa phương. Tuy nhiên, để các sản phẩm cá thát lát được tiếp cận với người tiêu dùng, tăng khả năng cạnh tranh với các vùng, miền khác, cần phải xây dựng quy trình hoàn chỉnh từ khâu đầu vào đến tiêu thụ. Về lâu dài, cần phải đầu tư, nâng cao, áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc nuôi trồng; hình thành vùng nuôi và sản xuất các sản phẩm cá thát lát tập trung; đồng thời, cần hỗ trợ, tiếp sức từ nhiều đơn vị để xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giải quyết bài toán đầu ra cho người nuôi.
“Trước mắt, đối với các hộ nuôi cá có sản phẩm “chả cá thát lát”, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ việc thiết kế nhãn mác, cải thiện hình thức, bao bì, kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để sản phẩm được “lên kệ” tại những cửa hàng thực phẩm sạch”, bà Ngô Thị Kim Cương cho hay.