Gia đình ông Trần Chưởng ở thôn Lâm Lý, xã Quảng Phước thả nuôi 2 hồ tôm xen ghép cua, cá với tổng diện tích 1ha. Đối tượng mới trong năm nay là cá đối mục. Qua 4 tháng chăm sóc đến nay, cá đối phát triển tốt, tưởng chừng sẽ có một vụ cá bội thu, tuy nhiên vào chiều tối 30/6, số cá đối trong hồ ông xuất hiện một vài con lờ đờ, đến tờ mờ sáng hôm sau (1/7) gần như toàn bộ gần 10 ngàn con chết hết. “Bao nhiêu công sức, mồ hôi, tiền của 4 tháng trời đã cháy rụi theo thời tiết nắng nóng” ông Chưởng buồn bã.
Tại xã Quảng Phước, hiện tượng tôm sú, cá kình, cá đối chết rải rác kéo dài hơn 10 ngày nay. Qua kiểm tra cho thấy, nguyên nhân các loại thủy sản nuôi của bà con chết là do bệnh đốm trắng ở tôm nuôi, cá kình và cá đối chết là do bị ngột khí.
Hiện nay toàn huyện Quảng Điền có hơn 30 ha thủy sản bị dịch bệnh và chết, ước tính thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền khuyến cáo: Trong điều kiện yếm khí dễ phát sinh khí độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm cá. Các địa phương và người dân cần có các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện khẳng định, tình trạng tôm, cá bị lờ đờ, chết rải rác thời gian qua là do bị thiếu ô xi. Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trong các hồ nuôi rất cao là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước bị thiếu ô xi, xuất hiện một số khí độc dẫn đến hiện tượng tôm, cá chết.
Quảng Điền là một trong những địa phương có thế mạnh nuôi thủy sản nước lợ. Hiện nay toàn huyện đưa vào thả nuôi 703 ha nước lợ, tập trung các xã Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Công, Quảng Ngạn và thị trấn Sịa. Hiện tại các hồ nuôi của người dân xảy ra hiện tượng nước có màu đậm và các loại tảo nở hoa, kết hợp thời tiết nắng nóng dẫn đến tôm, cá chết càng ngày càng nhiều.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền khuyến cáo, các hộ nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng; kiểm tra và theo dõi sức khỏe vật nuôi, môi trường nước trong ao hàng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời, duy trì mực nước trong ao trên 1,2m trong những ngày nắng nóng. Đối với những hồ nuôi có mật độ dày, tôm, cá đã lớn cần tiến hành thu tỉa đảm bảo mật đô nuôi, đồng thời theo dõi tích cực cũng như có các biện pháp kỹ thuật phù hợp nhằm điều chỉnh môi trường nước trong ao nuôi, hạn chế hiện tượng phát sinh các khí độc NH3, H2S làm ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây bệnh cho vật nuôi.