Hàng thủy sản chế biến của doanh nghiệp Trangs Group được chuyển từ Việt Nam đến các nhà kho tại Anh. Tại đây, doanh nghiệp sẽ thực hiện khâu dán hạn sử dụng trên bao bì - bước hoàn thiện cuối cùng với sản phẩm trước khi đưa thẳng đến các siêu thị Anh.
Hiện, hàng thủy sản chế biến của doanh nghiệp Trangs Group đã vào được 6 hệ thống siêu thị lớn của Anh. Thoạt nhìn hộp tôm của doanh nghiệp này sẽ khó biết đó là một sản phẩm từ Việt Nam sang. Tên xuất xứ sản phẩm in nhỏ trên mặt sau, còn thiết kế bao bì và nhãn hiệu, thương hiệu chính sẽ là của siêu thị Anh. Điều này cũng một phần do yếu tố đặc trưng của hệ thống bán lẻ Anh và châu Âu nói chung.
Chị Stephanie Hương Trần - Giám đốc phụ trách thị trường Anh của Trangs Group - nói: "100% tên sản phẩm của chúng tôi là siêu thị, ở bên Anh gọi là 'private label'. 'Private label' ở châu Âu phát triển nhất thế giới, theo thống kê tên của siêu thị sẽ chiếm lĩnh 70% sản phẩm, 30% là tên của các nhà cung cấp khác. Nhánh 'private label' đòi hỏi là sự giám sát kỹ thuật và chất lượng rất cao".
Mỗi năm, doanh nghiệp trên xuất khẩu được khoảng gần 1.500 tấn hàng thủy hải sản đã qua chế biến vào Anh. Theo doanh nghiệp, thủy sản Việt Nam có cơ hội tốt ở đây. Hàng thủy sản chế biến của Việt Nam đang có giá thành cao hơn các mặt hàng cạnh tranh từ Ấn Độ hay Bangladesh. Nhưng với các thị trường khó tính, vào đã khó, nắm bắt thị hiếu để tiếp tục sáng tạo với sản phẩm và giữ chỗ đứng mới là quan trọng.
Chị Stephanie Hương Trần nói: "Khách hàng châu Âu cũng như bên Anh rất coi trọng nguồn hàng Việt Nam vì số lượng cũng như chất lượng đồng đều, ít bị nhiễm bệnh hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng đủ về đánh giá tiêu chuẩn chất lượng, mà còn phải chứng minh giá tốt. Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là khả năng đáp ứng sản phẩm vào thị trường và khả năng phát triển sản phẩm, để luôn luôn đáp ứng sự thay đổi của tiêu dùng".
Từ một hộp tôm có xuất xứ Việt Nam trên kệ hàng siêu thị Anh có thể có hai điều để nói đến. Thứ nhất, đây là một sản phẩm dựa trên hiểu biết về thị trường, đặc biệt với một thị trường tiêu dùng đã quá phát triển, nhiều cạnh tranh và còn rất ít chỗ trống để vào. Thứ hai là doanh nghiệp nào cũng muốn xây dựng và tìm chỗ đứng cho một thương hiệu mang tên Việt Nam tại kệ hàng nước ngoài.