Đánh bắt cả ngày lẫn đêm
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sáng sớm đến tận đêm khuya, nhiều người, già có, trẻ có… cứ ung dung thả hàng chục cần câu xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đoạn qua các quận: 1, 3, Bình Thạnh… để bắt cá. Chị Nguyễn Thị Hà, nhà ở đường Hoàng Sa, phường Tân Định, quận 1, cho biết, từ sáng đến tối lúc nào chị cũng thấy có nhiều người ra câu ở đây. Họ thường tập trung thành từng nhóm 5 - 7 người đúng xếp hàng dài rồi thả câu, bất chấp trước mắt họ là biển cấm đánh bắt cá của phường. Điều đáng nói, việc đánh bắt cá trên kênh không đơn thuần chỉ là hoạt động giải trí mà với nhiều người còn biến hoạt động này thành kế sinh sống. Một “cần thủ” cho biết, thông thường mỗi buổi sáng anh câu được khoảng 20kg cá, trong đó có con nặng tới 3kg. Số cá này anh đem ra chợ bán cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng. Trung bình mỗi ký cá rô, cá trê bán được 20.000 đồng/kg, cá chép thì 30.000 đồng/kg. Riêng hôm nào lượng cá bắt được ít thì cũng có thể cải thiện được bữa ăn cho gia đình mà không phải mất tiền đi chợ.
Điều đáng lo ngại, thời gian gần đây, việc bắt cá không chỉ dừng lại ở câu cá mà còn được thực hiện với quy mô lớn và rầm rộ hơn. Nhiều người đánh bắt cá bằng cách giăng lưới hoặc kích điện. Vào ban đêm, khoảng từ 21 - 22 giờ, xuất hiện nhiều người lái xuồng máy di dọc kênh để dò bắt cá. Khi phát hiện được nơi có nhiều cá tập trung, họ tắt máy và chèo xuồng vào chỗ tối rồi chia nhau ra hai bên bờ kênh, thả cần chích điện. Sau đó vớt cá bằng lưới. Anh N.T.Sơn ngụ ở khu phố 1, phường 17, quận Bình Thạnh bức xúc, với cách đánh bắt cá thế này thì sớm muộn gì dòng kênh này cũng chẳng còn con cá nào. Bao nhiêu tiền của từ ngân sách, từ tiền thuế của người dân để cải tạo con kênh này nhưng với cách hành xử với nguồn thủy sản trên kênh theo cách này thì sẽ không bao giờ có thể cải thiện được môi trường kênh.
Xử phạt nặng hành vi vi phạm
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cho biết, sản lượng thủy sản trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ đầu năm 2015 đến nay liên tục bị suy giảm. Nguyên nhân một phần là do chất lượng nước kênh bị ô nhiễm và một phần do tình trạng đánh bắt cá tràn lan. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, do sốc nhiệt và ô nhiễm nguồn nước nên đã có hơn 2.000kg cá bị chết. Gần đây, để đảm bảo nguồn nước kênh từng bước được cải thiện, UBND TPHCM đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan thực hiện bổ sung nguồn thủy sản cho kênh. Thế nhưng, với cách đánh bắt như thế này, thì sản lượng thủy sản cũng không còn. Không chỉ vậy, việc đánh bắt bằng hình thức kích điện còn gây tác hại nghiêm trọng hơn khi hủy hoại khả năng sinh sản của thủy sản.
Điều đáng nói, cho đến nay, nhiều người vẫn bất chấp việc chính quyền địa phương các quận đã áp nhiều biện pháp tuyên truyền cấm đánh bắt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Thậm chí, các phường còn lập những biển báo cấm và khuyến cáo người dân không thực hiện đánh bắt cá dọc kênh. Thế nhưng, những giải pháp mang tính chất tuyên truyền này xem ra vẫn chưa đủ sức răn đe. Ông Trần Công Sáng, nhà ở khu phố 1, phường 17, quận Bình Thạnh cho rằng, câu cá là hoạt động giải trí có ích vì vừa rèn luyện tính kiên nhẫn cho người chơi; đồng thời giúp tinh thần thoải mái. Riêng với nhiều người, việc câu cá còn có lợi do mang lại nguồn thu nhập không nhỏ. Tuy nhiên, không thể cho phép câu cá bất cứ nơi nào, nhất là khu vực công cộng có bảng cấm của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc câu cá còn tổn hại đến hoạt động cải tạo chất lượng môi trường của thành phố.
Để có thể ngăn chặn hành động này, theo PGS Phùng Chí Sỹ, Viện phó Viện Khoa học kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường, cần phải quản lý nguồn thải vào kênh. Hiện toàn bộ nước thải sinh hoạt của các khu dân cư và số ít các doanh nghiệp sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư vẫn thải nước thải ra kênh. Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp không tuân thủ quy định xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Do đó, cho đến nay nguồn nước kênh vẫn luôn bị ô nhiễm cao, rất khó cho thủy sản có thể sinh sống.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Hoàng nhấn mạnh, khu vực được xác định có cá chết thường xuyên và số lượng nhiều là đoạn kênh chạy qua quận Tân Bình. Thời điểm đó, nhân viên công ty luôn phát hiện thấy nguồn nước có nhiều màu khác nhau. Chưa hết, tình trạng xả rác xuống kênh vẫn còn phổ biến trong một số bộ phận người dân cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống của thủy sản. Có những thời điểm, người dân còn vứt những loại rác lớn, như: nệm, giường, tủ gỗ ép, bàn ghế… khiến công ty phải sử dụng phương tiện cơ giới mới có thể trục vớt được. Hiện trung bình mỗi cách ngày, công ty vớt được khoảng 8 - 10 tấn rác. Anh Lê Công Khoát, nhà ở đường Trường Sa, gần cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) cho rằng, để bảo vệ chất lượng nước kênh cũng như nguồn thủy sản, trước hết các khu phố nên tổ chức tuyên truyền cho người dân không xả rác xuống kênh. Đồng thời tố giác những người dân có hành vi xả chất thải xuống kênh. Về phía cơ quan chức năng nên xây dựng mức xử phạt hành chính phải thật nặng tay đối với các hành vi đánh bắt cá ở đây, gây ô nhiễm nguồn nước kênh. Mức phạt có thể đề xuất phạt 2 - 3 triệu đồng/hành vi vi phạm. Có như vậy mới ngăn chặn được những hành vi hủy hoại môi trường như trên.