Từ lâu sông Bứa đã mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân các xã gần cửa sông, trong đó có xã Quang Húc. Nhiều hộ dân nơi đây đã tận dụng mặt nước để đánh bắt, khai thác cá tự nhiên và nuôi cá lồng. Song ngày ấy lồng nuôi chủ yếu đóng bằng tre, gỗ, quy mô chỉ trên dưới chục m3, nuôi bằng các giống cá truyền thống như trắm cỏ, trôi, cho ăn chủ yếu cỏ, cám sắn nên hiệu quả chưa cao, chỉ là “lấy công làm lãi”. Phải từ giữa năm 2012, khi ngành thủy sản, liên minh HTX cùng với một số hộ dân đi tham quan, học hỏi quy trình sản xuất, kỹ thuật nuôi cá lồng quy mô lớn ở Hải Dương, việc phát triển nghề nuôi cá lồng ở đây mới thay đổi. Theo đó lồng được thiết kế theo kiểu nhà bè, khung hàn bằng ống nước, lồng được lót bằng lưới dù hai lớp, phao nổi là thùng phi nhựa, mỗi lồng thể tích lên tới 80-90m3, có thể kết nối nhiều lồng lại thành nhà bè kiên cố, đầy đủ tiện nghi để người nuôi ăn, ở, trông nom, chăm sóc. Cá nuôi chủ yếu là các loại cao cấp như lăng chấm, trắm, chép lai, diêu hồng, ngạnh sông... và chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp. Sau khi học hỏi, được sự hỗ trợ tư vấn kỹ thuật của ngành thủy sản và huyện Tam Nông, ngay năm đầu, các anh Vũ Văn Hợp và Nguyễn Minh Đăng là những hộ đầu tiên đầu tư làm trên chục lồng nuôi, sau hai năm toàn xã đã có 20 hộ tham gia với tổng số 126 lồng. Hộ ít có vài, ba lồng, còn phổ biến 4-5 lồng, còn hộ nhiều như gia đình ông Đăng có tới 30 lồng.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế việc nuôi cá lồng quy mô lớn tại địa phương, ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Quang Húc cho biết: Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh đã góp phần không nhỏ trong việc tận dụng điều kiện tự nhiên chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, tạo sự đa dạng ngành nghề ở nông thôn. Trong 2 năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của tỉnh và huyện, xã Quang Húc cũng đã có nhiều chương trình khuyến khích phát triển nghề nuôi cá lồng như: Tạo điều kiện về hành lang mặt nước; khu vực lấy đất đắp nền làm bến bãi để thuận tiện cho việc vận chuyển; hỗ trợ kinh phí mua con giống từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới... Tới đây, xã sẽ tiến hành cắm mốc xác định ranh giới nuôi cho từng hộ; quy định số lồng cá tối đa của mỗi hộ... Song song với những việc đó, xã cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ nuôi quan tâm đến việc bảo vệ môi trường... Đặc biệt các hộ nuôi đang chuẩn bị thành lập HTX tập hợp các hộ chuyên nuôi cá lồng để họ hỗ trợ nhau về kỹ thuật, con giống, thị trường... Từ nghề nuôi cá lồng trong xã đã hình thành các cơ sở dịch vụ cung cấp thức ăn, con giống, ngư cụ... tạo việc làm cho nhiều người. Đặc biệt thu nhập từ cá lồng mang lại hiệu quả khá. Với thời gian nuôi từ 1,5 đến gần 2 năm, một lồng nuôi lăng chấm có thể cho phép thu 7-8 tấn cá, với giá bán từ 120-130 ngàn đồng/kg, sẽ đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí con giống, thức ăn vẫn cho thu về vài ba trăm triệu đồng. Một hộ nuôi hai, ba lồng, kết hợp nhiều loại cá lăng, chép với cá ngắn ngày như rô phi đơn tính, diêu hồng đảm bảo mỗi lao động hàng năm có thu trên trăm triệu đồng. Bước đầu nghề nuôi cá lồng trên sông Bứa của Quang Húc có hiệu quả, song nó cũng đang đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm.
Trước hết là quy mô nuôi nhiều lại tập trung nên dễ xảy ra dịch bệnh. Đi dọc đoạn sông Bứa chạy qua trước cửa UBND xã chỉ khoảng 600 – 700m đã có trên trăm lồng cá nằm san sát như một làng chài. Điều đáng nói là đoạn này lòng sông khá hẹp, nước nông, lưu lượng nước chảy yếu trong khi mật độ lồng cá quá lớn rất dễ xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước do chất thải của cá, thức ăn thừa và do cả cá chết bị các hộ vứt ra mặt sông… Được biết, trong thời gian tới, một số hộ ở Quang Húc vẫn tiếp tục đóng thêm lồng nuôi cá. Cùng với Quang Húc, trong quy hoạch phát triển thủy sản của Tam Nông, các xã Hùng Đô, Tề Lễ cũng nằm trong chương trình phát triển cá lồng càng khiến cho vấn đề này trở nên “nóng”. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thì sự phát triển quá nhanh của nghề nuôi cá lồng trên sông Bứa sẽ phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến việc phát triển thủy sản chung, đặc biệt là việc phòng chống dịch bệnh cho cá, vấn đề môi trường. Đa phần người nuôi mới chỉ đi học tập kinh nghiệm ở một số địa phương, chưa qua các lớp tập huấn, nên kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải... còn thiếu. Vì thế, phải tính đến phương án phát triển bền vững, tránh kiểu nuôi ồ ạt, khi thị trường không ổn định lại phá bỏ sẽ thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất.
Vấn đề thứ hai là vốn cho sản xuất. Ông Lê Hữu Thành, ở khu 6 xã Quang Húc, một trong các hộ nuôi cá lồng cho biết: Gia đình tôi có 7 lồng cá, đầu tư ban đầu khoảng trên 50 triệu đồng/lồng. Số vốn bỏ ra khá lớn, đặc biệt là khoản tiền dành cho thức ăn. Theo tổng kết của một số hộ nuôi cá lồng và trao đổi của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Quang Húc thì mỗi lồng cá chi phí làm lồng hết khoảng 15-17 triệu đồng, cộng tiền làm nhà bè lên tới khoảng 40 đến 50 triệu đồng, tiền mua con giống hết vài chục triệu, song tốn kém nhất là tiền thức ăn, hơn kém bù trừ, mỗi ngày phải chi từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng và kéo dài từ 400-500 ngày mới cho thu hoạch. Như vậy nếu trong tay không có ba, bốn trăm triệu đồng trở lên thì khó nghĩ đến chuyện nuôi cá lồng. Năm 2013 đã có hộ vì không đủ sức phải “bán non” hiệu quả không được bao nhiêu.Trong khi đó xuất phát điểm của địa phương hầu hết là hộ nông dân kinh tế khó khăn, khả năng và suất đầu tư cho vay của ngân hàng hạn chế.
Cùng với vướng mắc trên là thị trường “đầu vào, đầu ra” của nghề nuôi cá. Để phát triển cá lồng yêu cầu chi phí vật tư làm lồng, con giống, thức ăn rất lớn, hiện nay anh em nuôi đã chủ động đặt hàng, làm lồng, song con giống vẫn phải mua tận Hải Dương, Bắc Ninh, miền Nam... vừa chi phí cao, vừa không chủ động. Do vậy chủ động sản xuất con giống tại chỗ vừa đảm bảo kỹ thuật, giá thành hạ phục vụ nuôi cá lồng quy mô lớn đang là vấn đề người nuôi cá mong mỏi. Còn đầu ra hiện nay do quy mô sản lượng nhỏ, chủ yếu người nuôi tự khai thác thị trường. Hiện nay quy mô nhỏ chưa có vấn đề gì, nhưng một khi sản lượng nhiều thì đây lại là cả vấn đề đáng lo. Cuối cùng là vấn đề môi trường nuôi. Ngoài tác động từ chất thải cá, thức ăn thừa gây ô nhiễm thì khai thác cát sỏi, xả thải đầu nguồn là vấn đề đáng lo ngại. Nhờ có sự tuyên truyền mà hiện nay những người nuôi cá lồng ở Quang Húc đã bỏ thói quen vứt cá chết ra sông mà thu gom để chôn lấp. Đây là chuyển biến quan trọng trong ý thức bảo vệ môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh; song việc khai thác cát sỏi, đánh bắt tự nhiên trong khu vực vẫn còn nhiều điều lo ngại, rất mong các ngành chức năng hạn chế, không cho khai thác cát sỏi khu vực đầu nguồn những xã gần nơi quy hoạch nuôi cá lồng.
Phát triển cá lồng là một trong những chương trình thủy sản quan trọng đang được Chi cục Thủy sản triển khai ở các địa phương có điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, để phát triển cá lồng một cách bền vững thì cần phải có sự quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương và phổ cập kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Được biết trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục thủy sản và UBND huyện sẽ phối hợp với UBND xã Quang Húc mở lớp đào tạo về nghề nuôi cá lồng cho các hộ hành nghề, các hộ nuôi thành lập HTX cùng phát triển, qua góp phần phát triển cá lồng một cách ổn định và bền vững. Song giải quyết các vấn đề tồn tại tránh tình trạng phát triển “nóng”, không theo quy hoạch, ảnh hưởng đến chương trình thủy sản chung của toàn tỉnh vẫn cần có sự chung tay của nhiều cấp, ngành.